Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Vì sao doanh nghiệp thiếu mặn mà?

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Đây là tín hiệu tích cực cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong tốp 15 nước phát triển nhất thế giới.

Chăm sóc rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc
Rủi ro cao, lợi nhuận thấp
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 1.634 DN đầu tư vào nông nghiệp, nâng tổng số DN nông nghiệp cả nước lên 10.988 đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế hiện có. Số DN đầu tư trong lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN cả nước, trong đó DN nông, lâm, thủy sản chiếm 1%. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận thấp, trong khi bảo hiểm nông nghiệp dù đã có nhưng khung pháp lý chưa đủ mạnh, thủ tục chi trả phức tạp khiến các DN chưa mặn mà đầu tư. Đáng nói, hiện nay, đất đai được giao cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý, địa phương không có quỹ đất để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Để xây dựng trang trại và nhà máy, DN phải tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc thuê đất từ cá nhân với giá cao, diện tích nhỏ nên hạn chế việc mở rộng quy mô và kinh doanh lâu dài.

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng phân tích, hiện nay, 96% DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực còn hạn chế. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro...

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách

Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “DN nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam”. Từ nhận thức này, hàng loạt giải pháp, chương trình hành động đã được Chính phủ đưa ra, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô. Bộ TN&MT chủ trì, nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường nhượng quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã và DN tiếp cận đất đai hình thành những vùng sản xuất, chế biến tập trung… Để chính sách đi vào thực tiễn, đa số DN cho rằng, các địa phương cần có cơ chế và hành lang pháp lý bảo đảm cho việc tích tụ ruộng đất để DN cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chủ động thông tin dự báo thị trường quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hơn hết DN cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động liên kết với nhau để tạo thành những tập đoàn kinh tế có tiềm lực, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững.
Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 3 ngành chế biến, gồm: Rau củ quả; thủy hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần