Thu hút người có tố chất vào ngành sư phạm là vấn đề đặt ra khi sửa Luật

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/11, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã về tổ để thảo luận Dự án Luật này.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi
Thảo luận tại tổ, các ĐB nhận định, Dự Luật lần này được chuẩn bị công phu, đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐB Quốc hội, chuyên gia. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần được chỉnh trang hơn nữa để làm rõ căn cứ của việc đề xuất chính sách mới và sửa đổi các điều khoản của Dự Luật.

Các ĐB cũng tán thành việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo với giáo viên mầm non, từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như đề xuất của Chính phủ. Bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non trong xu thế hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nâng chuẩn này cần nghiên cứu phù hợp với thực tiễn, có lộ trình nâng chuẩn dần.

Về chính sách miễn học phí, ĐB Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) tán thành với quy định như Dự Luật. Việc này sẽ khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục tham gia vào giáo dục phổ thông. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của nhà nước với diện phổ cập, tạo sự bình đẳng giữa trường công lập và dân lập. Tuy nhiên, cần điều tra, rà soát cụ thể đối tượng các học sinh công lập được miễn là bao nhiêu? Đối tượng ngoài công lập được hỗ trợ là bao nhiêu? Trên cơ sở đó làm rõ nguồn lực để thực hiện sẽ hiệu quả hơn

Theo ĐB Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng), đây là luật tác động đến từng gia đình, từng người và nhận được sự chú ý của toàn xã hội. Trong đó, chương trình sách giáo khoa là điều mà cả xã hội quan tâm. “Trong Nghị quyết của Đảng và Quốc hội thì ngoài kết quả còn có yêu cầu về tinh gọn. Cử tri phản ánh đặc biệt ở bậc phổ thông là các cháu phải rất cố gắng để hoàn thành chương trình sách giáo khoa ở nhà trường. Nên chăng phần chương trình sách giáo khoa cần tinh gọn lại để giảm tải để giáo dục toàn diện, có tính năng động sáng tạo”- ĐB cho hay.
 ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) 
Trong khi đó, ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) nêu lên thực tiễn giáo dục trong thời gian qua có chỉ số hạnh phúc của học sinh không cao, sự hài lòng của phụ huynh học sinh không cao. Do đó, trước hết chúng ta phải có một triết lý về giáo dục mà nhà trường là cái nôi để cả thầy, cả trò trở nên hạnh phúc. “Bên cạnh đó, để có trò giỏi phải có thầy giỏi. Đặc biệt, phải thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm nhưng hiện nay chúng ta đang thất bại, có những tỉnh có chính sách nhưng học sinh giỏi rất ít vào”-ông Thưởng nói, đồng thời chỉ rõ: Chất lượng dạy và học liên quan đến sách giáo khoa nhưng sách giáo khoa hiện nay kiến thức hàn lâm nhiều quá, cho nên làm sao phải giảm tải để học sinh học phải hiểu chứ không phải “học thuộc” như trước kia theo kiểu nhồi nhét mười mấy môn học.

Cũng liên quan đến chính sách với giáo viên, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao trong Luật đã khẳng định về vai trò của người thầy. Theo ĐB, không có môn học nào là hay hay dở, mà ở kỹ năng của người thầy. Cùng môn đó, nhưng có người thầy dạy rất cuốn hút hoặc ngược lại. Trong bối cảnh hiện nay, thông tin rộng mở, nếu người thầy dạy theo cách truyền đạt đơn thuần, học sinh sẽ không dễ tiếp nhận và xu hướng thế giới hiện nay không câu nệ vào SGK, mà tạo cơ hội cho người thầy sáng tạo, để môn học cập nhật kịp thời và đáp ứng yêu cầu xã hội. Do đó tiêu chuẩn của người thầy rất quan trọng.

Từ đó, ĐB đặt vấn đến, Dự Luật phải giải quyết được vấn đề đào tạo giáo viên. Phải có thu hút được người tố chất tốt vào sư phạm mới có đầu ra là giáo viên tốt. ĐB đồng tình chính sách không miễn học phí cho sinh viên sư phạm mà thay vào đó là tín dụng sư phạm và có chế độ bồi hoàn. Bởi nếu miễn ngay từ đầu, có thể sẽ hút cả những người không tâm huyết với nghề giáo, nhưng vẫn học chỉ vì cần học đại học. Thực hiện chính sách tín dụng, bắt buộc sẽ phải có sự tính toán.

ĐB cũng kỳ vọng vào chế độ tiền lương giáo viên. Vì nếu có chế độ tiền lương thảo đáng, giáo viên sẽ giảng dạy đến hết minh, không phải nghĩ đến chuyện giảng dạy một phần, còn một phần dành để dạy thêm.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề xuất: Dự Luật đã có điều khoản về cho học vượt cấp, những cũng cần quy định công nhận giáo dục tại gia đình. Thực tế hiện nay, nhiều nước có nhiều hình thức tự học ở nhà, sau đó vẫn có thể vào một bậc học phù hợp trình độ mà không cần tuần tự theo cấp học bình thường. Cũng đồng tình với đề xuất này, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị thêm việc quy định phương thức đào tạo trực tuyến trong Dự Luật. Đồng thời, nên có quy định về tỷ lệ giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh.