Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của Việt Nam là việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 11 tháng qua, tổng vốn đăng ký FDI đã lên tới 33,09 tỷ USD.

Mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, dòng vốn FDI có xu hướng bật tăng mạnh và cả năm nay có thể đạt mức trên 35 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện dự ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tăng cả lượng và chất

Năm 2016, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký tăng 7,1% so với năm 2015, đạt hơn 24,3 tỷ USD. Với con số trên 33 tỷ USD, tổng vốn FDI 11 tháng năm 2017 đã tăng tới 82% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân trong 11 tháng đạt trên 16 tỷ USD, tăng 11%. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, với vốn FDI giải ngân vào Việt Nam qua các năm đều đứng ở mức cao phản ánh Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương.

Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Công Hùng

Chỉ riêng tháng 11 đã có 4,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Theo công bố của Bộ Ngoại giao, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức hồi tháng 11/2017, đã có 121 thỏa thuận với trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới với các DN Việt Nam.

Lĩnh vực mà nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài “dội vốn” vào nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 14,95 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đăng ký, tiếp đến là sản xuất phân phối điện, bất động sản, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng… Các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu tích cực trong thu hút vốn FDI, bởi với cơ cấu đầu tư như vậy sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp. Trong khi lĩnh vực công nghệ phản ánh làn sóng khởi nghiệp ngày càng tăng tại Việt Nam cũng như chứng minh cho những nỗ lực sáng tạo để bắt kịp với thế giới số. Hơn nữa, với việc Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các DN trong nước… thì đây là được xem là bước đi đúng hướng.

Tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn trong năm 2018

Các NĐT nước ngoài rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và đang xúc tiến mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khảo sát từ hơn 1.400 CEO của 21 nền kinh tế APEC được PwC toàn cầu công bố mới đây, gần một nửa các NĐT nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới. “Việt Nam không chỉ được coi là một thị trường tiêu thụ sản phẩm nhanh với dân số trẻ mà còn được coi là trung tâm sản xuất của khu vực nhờ vào lợi thế chi phí nhân công lao động cạnh tranh, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Ngoài ra, thoái vốn DN Nhà nước sẽ tiếp tục, hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư mới cho NĐT nước ngoài” - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân nhận xét. Nhiều khả năng, trong năm 2018 vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, với làn sóng đầu tư của các DN FDI, cơ hội kinh doanh đang mở ra cho cả các DN Việt và FDI. Để có thể tận dụng tốt, các DN Việt rất cần áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh và quản trị DN bền vững.

Tất nhiên phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này. Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ và ngày 1/1/2018, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, 2 chính sách đó chưa đủ. “Chắc chắn Chính phủ sẽ còn ban hành những chính sách phù hợp với thực tế năm 2018 để giải quyết được hai vấn đề lớn nhất của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, là vốn và chi phí. Đồng thời, Chính phủ cần cải cách giáo dục mạnh mẽ bằng việc tận dụng nguồn lực tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào giáo dục để phổ cập. Như vậy sẽ giúp DN vươn xa hơn, mạnh hơn, tăng khả năng tiếp cận DN FDI, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Mại phân tích.
Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu về thu hút FDI ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam
Sebastian Eckardt
Tăng trưởng năm nay đã đạt được 6,7%, với đà này tăng trưởng kinh tế 2018, 2019 sẽ cao hơn năm 2017, cùng với kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ngày một tốt hơn. Chắc chắn nhiều công ty xuyên quốc gia lớn sẽ vào Việt Nam trong vài năm sắp tới.
GS Nguyễn Mại