Thủ lĩnh già trên con thuyền Ladoda

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Dù đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng với doanh nhân Đinh Quang Bào (SN 1940), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại sản phẩm da LADODA, người vừa được Hà Nội tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016" vẫn rực cháy ngọn lửa của nhiệt huyết, khát khao cống hiến.

Không những khởi nghiệp thành công ở độ tuổi về hưu mà ông còn có đóng góp không nhỏ làm rạng danh thêm cho quê hương Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
Như ông chia sẻ: "Người ta khởi nghiệp khi còn trẻ, còn tôi khi đã sang tuổi muốn nghỉ ngơi mới bắt đầu. Toàn bộ vốn liếng tích cóp sau bao năm làm công chức Nhà nước đã được tôi bỏ ra đầu tư mua đất, dựng xưởng, thuê nhân công… khởi nghiệp trước sự ngỡ ngàng của gia đình". Nhưng người ta nói “gừng càng già càng cay”. Và tiếp xúc với người thủ lĩnh lớn tuổi này chúng tôi càng thấm thía điều này. Sinh ra và lớn lên tại Kiêu Kỵ, mồ côi cha mẹ năm 12 tuổi, tuy cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Đinh Quang Bào đã vượt lên số phận, miệt mài học nghề tại Tiệm may da Hồng Phát. Đến năm 1963, ông chuyển vào làm Nhà nước, rồi trở thành cán bộ cốt cán trong ngành tiểu thủ công nghiệp Hà Nội. Gắn bó với cơ quan cho tới lúc nghỉ hưu nhưng trong ông luôn thôi thúc, mong muốn vực lại nghề may da truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân quê mình. Đến năm 1992, có thêm sự động viên của bạn bè, ông quyết định dồn toàn bộ vốn liếng, thành lập doanh nghiệp và thương hiệu Ladoda ra đời từ đó.
Nhớ lại những ngày đầu đầy khó khăn, ông Bào chia sẻ: “Lúc đầu công ty chỉ có 5 - 6 người làm việc trong căn nhà 30m2 với những chiếc máy khâu Singre cũ ở phố Phủ Doãn. Diện tích nhỏ hẹp nên phải căng bạt, mang cả máy sang vỉa hè làm việc. Tối về hàng chất kín cả nhà, thừa chỗ nào mới lăn ra ngủ”. Tuy nhiên, với quan điểm làm thật tốt, giữ uy tín, chất lượng, nên người dân Thủ đô tìm đến rất đông, hàng bán chạy đến chính ông cũng không ngờ. “Cứ nỗ lực không ngừng, vài năm sau, tôi đã đủ vốn để mua lại 2.500m2 nhà xưởng của Hợp tác xã may da Thành Công bị giải thể (nói là Hợp tác xã nhưng thực tế đó chỉ là 3 dãy nhà cấp 4 đổ nát xiêu vẹo). Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng thương hiệu Ladoda cũng có thể nói là đạt được những thành công” - ông Bào kể.
Dưới bàn tay chèo lái của doanh nhân Đinh Quang Bào, con thuyền Ladoda trong 24 năm qua không ngừng phát triển lớn mạnh. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 từ năm 2001 và đã 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty luôn vinh dự được phục vụ các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Ladoda liên tục phát triển thị trường trong nước, mở rộng thêm đại lý bán hàng tại các tỉnh phía Bắc từ chỗ chỉ có 20 đại lý bán hàng lên đến hơn 300 đại lý hiện nay. Không những thế, sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới với tỷ trọng xuất khẩu chiếm từ 30 - 35%.
Một đơn vị mạnh không chỉ sản xuất giỏi, ông tâm niệm, "giá trị nhân văn cốt lõi của đơn vị đó chính là chăm lo cho người lao động và xã hội". Bởi thực tế, Ladoda thành công, một phần là do người lao động mang lại, nên Chủ tịch HĐQT Đinh Quang Bào luôn cố gắng tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hơn 400 lao động, mức lương bình quân của công nhân luôn trên 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các chế độ theo quy định, Ladoda còn dành nhiều sự quan tâm tới người lao động như xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên tăng năng suất, chế độ cho lao động nữ, công nhân có thâm niên. Không những xây nhà ở miễn phí cho công nhân, ông Bào còn lập tổ sản xuất thực phẩm để cung cấp thực phẩm sạch cho người lao động…
Để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, hàng năm ông Bào còn quyết định trích từ 300 đến 500 triệu đồng để tham gia các hoạt động tình nghĩa: Xây nhà tình nghĩa, nhận nuôi trẻ mồ côi, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn 20 năm qua, ông còn tham gia hoạt động trong ngành da Việt Nam, tập hợp được các doanh nghiệp sản xuất đồ da tại các tỉnh thành để cùng hợp tác với Hà Nội phát triển sản xuất, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày của Thủ đô và cả nước.
Với quan niệm “Học hỏi không bao giờ là thừa, học để sản xuất tốt hơn và quan trọng để hội nhập mà không choáng ngợp trước các thương hiệu mạnh của thế giới”, Công dân ưu tú Thủ đô Đinh Quang Bào luôn mong ước và phấn đấu đưa con thuyền Ladoda ngày một lớn mạnh, vươn tầm quốc gia, vươn xa quốc tế.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần