Thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 140.000 - 150.000 tỷ đồng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án tích cực nhất là dịch kết thúc trong quý II/2020, thu ngân sách Trung ương năm 2020 giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Nguồn thu ngân sách sẽ giảm

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự báo nguồn thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh; nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước thấp.
 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Hiện Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là thu ngân sách của các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Để cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm lớn, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).

Đồng thời, bộ kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. 

Đối với cân đối ngân sách Trung ương, dự kiến dành 34.600 tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.600 nghìn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương.

Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD.

Giảm giá điện nhưng tránh treo lỗ gây áp lực tăng giá năm sau

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, đã trình Chính phủ nhiều kiến nghị quan trọng hỗ trợ DN, người dân trong để vượt qua đại dịch Covid-19. Cụ thể, giảm giá mặt hàng quan trọng, cắt giảm thuế phí, ưu đãi thuế... giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng; Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch. Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách của các DN năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng; Đề xuất ưu đãi thuế thu nhập DN. Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng). Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỷ đồng; Rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10 - 50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra Bộ cũng phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào quan trọng. Đối với giá điện, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch, nhưng kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021. Qua rà soát cả 2 phương án của Bộ Công thương và EVN, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN.

"EVN cần tính toán phương án tài chính để tránh lỗ và treo lại các khoản lỗ này gây áp lực tăng giá trong năm 2021", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.