Thu ngân sách từ thoái vốn, cổ phần hóa mới đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiệm vụ thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch.

Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đã chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2017 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá năm 2017, Chính phủ, các bộ, địa phương đã tích cực, quyết liệt và cẩn trọng trong cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN), thoái vốn Nhà nước tại DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2017 của Ban Chỉ đạo. 
Khi chưa ban hành văn bản mới về bán vốn Nhà nước tại DN (thay thế cho Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước tại DN), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ cho bán vốn Nhà nước theo phương thức chào bán cạnh tranh, điều chỉnh sổ sách kế toán cho các DN cổ phần hoá còn lại của năm 2017. Kết quả của việc này là việc bán vốn Nhà nước thành công tại Vinamilk và tiếp tới cơ chế này sẽ áp dụng cho Sabeco.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt các đề án lớn, quan trọng liên quan tới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới tổ chức, quản lý DN; lần đầu tiên ban hành danh mục DNNN cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước theo từng năm cho tới năm 2020...

Ở cấp địa phương, với DNNN có quy mô lớn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cấp uỷ và chính quyền TP Hà Nội đã thực hiện chặt chẽ, bài bản các giải pháp xác định giá trị DN, bảo đảm không thất thoát vốn Nhà nước khi cổ phần hóa trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị trong tháng 12/2017, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN để tạo ra hành lang pháp lý nhất quán cho công tác cổ phần hóa, sắp xếp và phát triển DN.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 11 tháng năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hoá 21 DNNN, trong đó có 4 Tổng công ty: Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Tổng số tiền thu từ cổ phần hoá là 2.214,64 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị bán cổ phần lần đầu của IDCO là 1,324 tỷ đồng và Thanh Lễ Bình Dương là 175,4 tỷ đồng.

Nếu tính cả các DN thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì tính đến hết tháng 11 này, cả nước đã cổ phần hóa 43 DNNN. Dự kiến cả năm nay, cả nước sẽ hoàn thành cổ phần hoá 55 DNNN, bằng số DN cổ phần hóa năm 2016.

Về thoái vốn Nhà nước tại DN, lũy kế 11 tháng năm 2017, các đơn vị đã thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó có số thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 2 lần thoái vốn tại Vinamilk.

Như vậy, nhiệm vụ thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch. Dự kiến từ nay tới cuối năm Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương, chưa kể nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục làm rõ quy mô, tỷ lệ phần trăm cổ phần đã bán lần đầu ra công chúng trong 11 tháng; nêu rõ các bộ, địa phương - đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN thoái vốn chậm,... để xây dựng báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết về công tác cổ phần hóa năm 2017, trình Chính phủ thảo luận.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần thúc ép các bộ, địa phương chậm bán vốn Nhà nước giao lại quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bán vốn trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần