Thử nghiệm công đức qua ví điện tử để minh bạch

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, mạng xã hội xôn xao về việc nhiều cơ sở thờ tự kêu gọi cúng dường qua ví điện tử, một số còn cho rằng đây là hành vì lừa đảo. Ngày 23/2, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí để làm rõ thông tin này.

 Quang cảnh cuộc họp
Trong đó nhấn mạnh, việc công đức qua hình thức ví điện tử là chủ trương của Giáo hội, đang được thực hiện tại một số chùa trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng mong muốn của phật tử, người dân và tránh tập trung đông người đến chùa trong bối cảnh dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với ví điện tử Momo để mọi người có thể phát tâm công đức. Hiện nay, Giáo hội đang thử nghiệm triển khai ở một số chùa. Đây cũng là thử nghiệm để xác định một hướng mới trong tương lai, để ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động văn hóa xã hội và tín ngưỡng”. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, việc áp dụng công đức qua hình thức ví điện tử Momo không chỉ hạn chế đông người mà còn tiến tới xóa bó việc đặt tiền lẻ trong tay tượng mà nhiều năm mà dư luận và báo chí phản ánh.

Trước một số thông tin phản ánh của mạng xã hội về việc thực hành tín ngưỡng online, công đức qua ví điện tử có thể dẫn đến tiêu cực, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Trang giả mạo có thể xảy ra nhưng không thể thực hiện được giao dịch bởi nhiều người đến chùa quét mã QR, thay vì phải xếp hàng ghi bàn công đức. Mặt khác, thông qua ứng dụng Momo là mọi hình thức giả mạo đã bị chặn. Bởi quá trình công đức qua ứng dụng 4.0 không được thực hiện giữa người công đức và một địa chỉ nào đó mà phải qua ứng dụng ví điện tử, có các lớp bảo mật, xác minh danh tính”. Theo đánh giá của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay, nhu cầu đến chùa của mọi người không thay đổi. Tuy nhiên, việc làm các khóa lễ online, áp dụng 4.0 vào các hoạt động của Phật giáo trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay sẽ đem lại kết quả rất tốt cho xã hội.

Đồng thời, một trong mục tiêu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII là đưa ra kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Thực tế, Giáo hội đã ứng dụng trong Đại lễ Vesak, Bộ TT&TT đánh giá rất cao trong ứng dụng công nghệ vào điều hành các hoạt động Phật sự của Giáo. Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội sẽ triển khai một cách căn cơ, bài bản, hướng tới trở thành thói quen của đồng bào phật tử. Chuyển đổi số quốc gia là một quá trình nên Giáo hội cũng xác định đây là cả một quá trình và là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần