Thu nhập cao từ rau trái vụ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với cách trồng rau trái vụ trong vòm che nylon, nhiều hộ dân vùng ngoại thành Hà Nội đã có thu nhập khá nhờ rau bán được giá và hạn chế chi phí sản xuất.

 Trồng rau cải mơ trái vụ bằng phương pháp che phủ vòm ở trang trại rau Hoa Viên, Yên Bình, Thạch Thất.
Lâu nay, người dân vẫn giữ thói quen canh tác rau màu theo mùa vụ vì dễ chăm sóc, năng suất cao. Tuy nhiên, hạn chế của tập quán canh tác này là điệp khúc “được mùa mất giá” hàng năm luôn tái diễn. Để khắc phục tình trạng này, vài năm gần đây, tại một số vùng ngoại thành Hà Nội, người dân đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật gieo trồng trong vòm che bằng nylon, tạo ra nhiều loại rau trái vụ, đảm bảo ATTP và cho hiệu quả kinh tế cao.
Vừa thu hoạch hơn 1 sào cải mơ thu về hơn 10 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Lành, thôn Đanh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa phấn khởi cho biết: Trước kia, khi chưa ứng dụng trồng rau trong vòm nylon thì việc sản xuất rau màu của gia đình phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận, rau cho năng suất cao nhưng lại bị ế, nhiều khi phải nhổ bỏ cho trâu, bò ăn.
Từ khi áp dụng phương pháp trồng rau trái vụ trong vòm nylon, thu nhập của gia đình bà cao hơn gấp nhiều lần. Bà Lành cho biết, vụ rau năm nay bà chỉ chuyên trồng cải mơ, bởi theo bà, đây là loại rau đang được thị trường rất ưa chuộng. Thời gian từ khi trồng tới khi thu hoạch chỉ khoảng 20 ngày, năng suất trung bình đạt 5,5 tạ/sào, giá bán 15.000 đồng/kg.

Tương tự, gia đình chị Trần Thị Dung ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh cũng đã áp dụng phương pháp trồng rau trái vụ trong vòm nylon nhiều năm nay. Chị Dung cho hay, trồng rau bằng biện pháp che vòm nylon giúp cây sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất thuận, nhất là giai đoạn cây con và phù hợp với rau ăn lá trái vụ. Hạn chế bệnh phát sinh gây hại, do cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương và sương muối.

Phương pháp này khá đơn giản, dễ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra còn giúp tăng hệ số quay vòng sản xuất rau trong năm, chủ động về thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó còn giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật vì sâu tơ là sâu gây hại chính không thích hợp với nhiệt độ cao nên mật độ rất thấp.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Hà Nội có thế mạnh về sản xuất các loại rau, với 12.000ha đất chuyên canh, tuy nhiên các loại rau tập trung chủ yếu vào vụ Đông và chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, số còn lại vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Vì vậy, để đa dạng chủng loại rau cung cấp cho người tiêu dùng, người dân nên áp dụng rộng rãi kỹ thuật che vòm nylon vào canh tác rau trái vụ đối với các loại cây trồng ngắn ngày như su hào, cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau mùi, rau thơm, cà chua…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần