Thu nhập ổn định từ nuôi dê sinh sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại 2 xã miền núi của huyện Thạch Thất. Đến nay, mô hình đã bước đầu mang lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Nhờ nuôi dê sinh sản, hộ anh Nguyễn Văn Long, ở thôn Thung Mộ, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã vươn lên thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Long - thôn Thung Mộ, xã Yên Bình chia sẻ: “Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và cách phòng, trị bệnh cho dê, song được sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện, đàn dê sinh trưởng, phát triển rất tốt”. Nhận thấy chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, anh Long tiếp tục nhân giống tăng số lượng. Đến nay, đàn dê đã bước vào lứa sinh sản thứ 4. Từ 6 con giống ban đầu đã phát triển lên 31 con, trong đó, anh Long đã xuất bán 15 con dê đực cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê sinh sản có vốn đầu tư ít, có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình và thức ăn có sẵn như cỏ, lá cây rừng và phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá cây ngô, lạc. 1 con dê cái có thể sinh sản bình quân 2 lứa/năm, mỗi lần sinh từ 1 - 2 con. Khoảng từ 5 tháng trở lên, dê sẽ cho xuất chuồng với giá trung bình 120.000 đồng/kg, dê giống khoảng 160.000 đồng/kg, như vậy nuôi dê cho lợi nhuận khá cao so với các loại vật nuôi khác.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 2 xã Yên Bình và Yên Trung năm 2016. Mô hình có 8 hộ tham gia với 56 con dê. Nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật và con giống (6 con dê cái và 1 con dê đực). Con giống có trọng lượng bình quân là 30kg/con dê đực, 20kg/con dê cái. Từ những con giống ban đầu được hỗ trợ, các hộ tham gia mô hình đã phát triển, mở rộng quy mô đàn dê để phát triển kinh tế gia đình.
Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải, thành công bước đầu của mô hình đã giúp chính quyền địa phương định hướng lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần thúc đẩy chương trình giảm nghèo tại các xã miền núi.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, là một xã miền núi với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Mường, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của Yên Bình còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Bình đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi lợn rừng, trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng ớt xuất khẩu, trồng rừng sinh thái kết hợp cây ăn quả… Hiệu quả của mô hình nuôi dê sinh sản không chỉ khai thác được lợi thế, tiềm năng của địa phương mà còn mở ra hướng làm ăn mới giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.