Thu phí tự động không dừng: Gia hạn đến bao giờ?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án thu phí không dừng được coi là cơ hội để Bộ GTVT lấy lại hình ảnh vốn đã bị ảnh hưởng khá nhiều sau những lùm xùm xoay quanh các dự án BOT giao thông cũng như dự án “sa lầy tiến độ” đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, Bộ GTVT một lần nữa lại mắc kẹt ở dự án thu phí không dừng khi để vỡ tiến độ, phải xin gia hạn.

Làn thu phí tự động tại Trạm thu phí BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hùng
2 năm vẫn giậm chân tại chỗ
Cuối tháng 5/2020 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Bản báo cáo thừa nhận tiến độ thực hiện dự án thu phí không dừng đã không đảm bảo theo yêu cầu. Cụ thể, trong tổng số 93 trạm thu phí trên cả nước hiện mới có 46 trạm thu phí có vận hành làn thu phí không dừng. Con số này chỉ bằng phân nửa so với tổng số trạm mà Bộ GTVT đang quản lý (Bộ GTVT quản lý 74/93 trạm, số còn lại thuộc quyền quản lý của các địa phương). Theo lý giải của Bộ GTVT, để triển khai dự án thu phí không dừng, đơn vị này đã chia dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 áp dụng đối với các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Ngoài ra còn có các trạm thu phí trên một số tuyến cao tốc và QL khác. Giai đoạn 2 sẽ áp dụng với các trạm còn lại trên cả nước.
Nhìn lại công tác quản lý đối với quá trình triển khai dự án thu phí không dừng có thể thấy rõ đã và đang bộc lộ rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề cơ bản nhất là sự thiếu cương quyết và không dám chịu trách nhiệm trong cơ chế điều hành của Bộ GTVT. Điều này bộc lộ rõ nhất ở các tuyến cao tốc do VEC làm quản lý. Khi VEC còn trực thuộc Bộ GTVT thì Bộ này hoàn toàn có thể áp đặt mốc thời gian, đặt mục tiêu, buộc VEC phải hoàn thành.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy
Kết quả triển khai giai đoạn 1 đến thời điểm hiện tại được 44 trạm nhưng mới chỉ có 39 trạm được lắp đặt, vận hành từ 2 - 6 làn thu phí không dừng. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có 1 tuyến cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị, 4 tuyến còn lại chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn và chỉ đạo thực hiện nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Đối với giai đoạn 2 của dự án, Bộ GTVT cho hay, sau hơn một năm tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế đã chọn được nhà đầu tư là liên danh Viettel, Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong. Thế nhưng, ngay sau đó lại phát sinh vướng mắc khi chủ trương Viettel được góp vốn thành lập DN dự án chưa có trong đề án tái cơ cấu Viettel được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng muốn điều chỉnh tỷ lệ tham gia trong liên danh của Viettel từ 49% lên tối thiểu 65%. Điều này khiến cho tiến độ thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 bị chậm.
Điều đáng nói, suốt từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2020, Bộ GTVT chỉ thực hiện được thêm 1 trạm thu phí. Tình hình thực hiện tại 5 trạm thu phí do VEC quản lý cũng giậm chân tại chỗ.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, điều dễ nhận thấy nhất trong quá trình thực hiện dự án thu phí không dừng là sự thiếu hợp tác của các nhà đầu tư BOT. “Ai cũng hiểu thu phí không dừng sẽ giúp giải quyết bất cập nhức nhối của các dự án BOT giao thông là vấn đề minh bạch thu phí. Nhưng có những người không muốn thế bởi chỉ khi thu phí thủ công, họ mới có thể gian lận tiền thu phí” – ông Bùi Danh Liên nói và lấy ví dụ về trường hợp thất thoát hàng trăm thẻ định danh tại các trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai được phát hiện vào năm 2018.

Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa

Cuối tháng 3/2020, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 3061/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ - TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ GTVT, sau 2 năm triển khai đã thống nhất được về công nghệ, trình tự tổ chức và lộ trình thực hiện, chấm dứt tình trạng đầu tư tự phát, kém hiệu quả trước đây. Đồng thời, việc triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng đã bước đầu tạo thuận lợi cho người sử dụng, tăng tính minh bạch tại các dự án BOT đường bộ.
Theo Quyết định 19 có thể thấy nhiều đề xuất mà Bộ GTVT gửi lên trước đó đã được đáp ứng. Chúng ta hãy chờ xem với khung pháp lý mới cho hoạt động thu phí không dừng này, Bộ GTVT có hoàn thành dự án theo đúng tiến độ hay không?
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Tuy nhiên, Quyết định 07 cũng đã bộc lộ khá nhiều tồn tại, vướng mắc cần được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn do các dự án thu phí tự động không dừng là hình thức đầu tư mới, phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kinh nghiệm. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép nới tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT đường bộ. Cụ thể, nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng chậm nhất là đến ngày 31/12/2020, thay vì 31/12/2019 như yêu cầu tại Quyết định 07. Đối với các dự án BOT mới đầu tư, DN dự án chỉ được phép thu phí hoàn vốn sau khi đã lắp đặt và vận hành suôn sẻ làn thu phí không dừng. Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng trao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào điều kiện cụ thể để xem xét quyết định việc duy trì tối thiểu mỗi trạm thu phí có một làn thu phí hỗn hợp hoặc một làn thu phí một dừng trên mỗi chiều lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ GTVT phải “cầu viện” đến sự trợ giúp của Chính phủ bằng việc ban hành Quyết định 19 để thay thế cho Quyết định 07 cho thấy cơ quan này đã tỏ ra bất lực trong việc triển khai dự án thu phí không dừng theo đúng tiến độ. Không phủ nhận những bất cập trong Quyết định 07 mà Bộ GTVT chỉ ra là có cơ sở nhưng việc Chính phủ ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg là một sự “trợ giúp” không thể tốt hơn để Bộ GTVT hoàn thành dự án thu phí không dừng đúng tiến độ trong thời gian tới.
Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Theo đó, các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay; các trạm thu phí đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Bên cạnh đó, các trạm đang hoạt động chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Riêng các trạm thu phí thuộc quyền quản lý của VEC, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần