Thu thuế bán hàng qua mạng xã hội: Đúng nhưng phải tránh tận thu

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất thu thuế bán hàng trên Facebook đã được UBND TP Hồ Chí Minh đề cập trong cuộc làm việc với Tổng cục Thuế mới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Việc thu thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) này được coi là phù hợp và đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, làm thế nào để ngân sách vừa không thất thu, vừa không tận thu mà khuyến khích cá nhân, DN khởi nghiệp vẫn là câu chuyện lớn cần bàn đến.
Thu nhỏ, bỏ lớn?
Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện nay, các đối tượng tham gia vào TMĐT gồm DN và cá nhân. Tuy nhiên, quản lý thuế cũng như hoạt động thương mại đến nay gần như chỉ thực hiện được ở DN.
Bà Nguyễn Thị Hánh - Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, cả nước hiện có hơn 40 triệu người sử dụng internet, có 130 triệu thuê bao di động. Lĩnh vực TMĐT hiện đang thu hút nhiều DN, cá nhân tham gia. Nhiều loại hình TMĐT xuất hiện như trò chơi trực tuyến, mua bán hàng hóa qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số. Mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ số đã đặt ra rất nhiều thách thức trong quản lý, trong đó có quản lý thuế.

Người tiêu dùng tham khảo các sản phẩm được quảng cáo trên Facebook. Ảnh:  Quỳnh Anh

Theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, thời gian qua, một số dịch vụ bán hàng hoặc kinh doanh qua mạng có số thu khá lớn. Đơn cử như việc các ca sĩ đăng tải video clip lên Youtube để thu hút người xem. Việc này có doanh thu từ hoa hồng bán quảng cáo với nhà mạng. Theo quy định tại Luật thuế Thu nhập cá nhân và một số quy định khác, việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng internet, thông qua website hoặc các mạng xã hội, nếu có thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế thì đều có nghĩa vụ nộp thuế. Và cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để thu nộp ngân sách. Vì vậy, việc các cơ quan Nhà nước nghiên cứu thu thuế đối với các hoạt động bán hàng trên Facebook và trên các mạng xã hội khác như Zalo, Instagram hay Youtube là đúng.
Tuy nhiên, thu như thế nào để tránh tận thu là điều đang khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thực tế, một bộ phận người bán hàng trên Facebook thu nhập vẫn thấp, không ổn định. Do đó, để chống thất thu thuế cần có khung quy định cụ thể về mức doanh thu nào sẽ phải chịu nộp thuế. Như vậy mới tạo điều kiện cho nhiều người tiếp tục làm ăn buôn bán, khi họ có thu nhập cao rồi mới nghĩ đến chuyện đánh thuế.
Thu như thế nào?
Theo đại diện cơ quan thuế, do hoạt động giao dịch hàng hóa diễn ra trên nền tảng di động, internet nên rất dễ để chủ giao dịch hàng hóa ẩn danh, nặc danh và xóa bỏ thông tin giao dịch trong trường hợp cảm thấy không an toàn hoặc có khả năng bị thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, việc thanh toán hiện nay chủ yếu vẫn dùng tiền mặt nên rất khó để xác định doanh thu của người bán hàng qua mạng.
Ngoài ra, việc xác định được thế nào là bán hàng trên mạng xã hội cũng rất khó. Thực tế, trên mạng xã hội tràn lan các hoạt động quảng cáo, chào bán hàng hóa, tiếp thị, nhưng để xác định được thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ là rất khó. “Một cửa hàng bán quần áo có thể tung các mẫu sản phẩm lên Facebook fanpage để rao bán, nhưng thực tế thì khách hàng đến tận cửa hàng và lấy hàng, trả tiền và cửa hàng đó hạch toán việc mua bán vào sổ sách của cửa hàng. Cuối tháng nộp thuế theo hình thức thuế khoán thì cơ quan thuế không thể thu thuế của người đó vì bán hàng trên mạng” - một chuyên gia chỉ ra vướng mắc.
Vì thế, để đảm bảo tính khả thi trong việc thu thuế từ các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Đó là việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối liên thông giữa ngân hàng và cơ quan thuế, quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh của cá nhân .... “Để nhận diện và quản lý đối tượng bán hàng trên mạng, bắt buộc phải có sự hợp tác từ phía nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Vì thế, phải có chế tài buộc các đơn vị này phải hợp tác” - luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh.

Muốn quản lý thuế đối với người bán hàng trên mạng xã hội, trước tiên cơ quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý, chế tài cụ thể quy định chặt chẽ về việc đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế cho người bán hàng. Đồng thời, có quy định về việc cá nhân buôn bán trên mạng xã hội phải thực hiện thanh toán điện tử, xuất hóa đơn cho khách hàng để cơ quan thuế có thể kiểm soát doanh thu, từ đó làm căn cứ phân loại nhóm đối tượng để thực hiện việc đánh thuế.

Nguyễn Thị Cúc  Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam


Làm gì để thu thuế người kinh doanh trên Facebook? 

Theo nguyên tắc của Luật Quản lý thuế tại Việt Nam, bất kỳ chủ thể nào đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay DN nào. Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội, nhưng Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế…được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.

Hình thức giao dịch của Facebook cũng là một sàn giao dịch TMĐT. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Facebook phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Nhưng hiện nay vẫn chưa thấy Facebook thực hiện việc này.

Vậy, làm sao để thu thuế được những người bán hàng trên Facebook? Đó là phía Việt Nam phải làm việc với bên Facebook để họ thực hiện sự hiện diện hợp pháp tại Việt Nam theo các hình thức như: Có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn. Sau đó, người kinh doanh trên Facebook cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ… Từ việc đăng ký hợp pháp đó của người kinh doanh trên Facebook, thì cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế theo quy định trong Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần ban hành các văn bản chế tài cụ thể đối với người vi phạm.
TS.Luật sư  Bùi Quang Tín