Thu tiền tỷ từ trồng rau thủy canh

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm đang là điển hình của TP về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và “bắt tay” với DN thành công khi xây dựng mô hình trồng rau thủy canh cho hiệu quả kinh tế đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.

 Mô hình trồng rau thủy canh của HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về cơ duyên làm rau thủy canh, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết: “Trong chuyến tham quan, học tập thực tế tại Đà Lạt (Lâm Đồng), may mắn chúng tôi được gặp và kết nối được với một DN chuyên làm nông nghiệp sạch. Không để vụt mất cơ hội, Ban quản trị HTX đã về họp bàn và thống nhất với xã viên mạnh dạn liên kết với Công ty CP Đầu tư An Hòa xây dựng mô hình trồng rau thủy canh”. Sau khoảng thời gian ngắn trồng thử nghiệm đạt kết quả tốt, HTX đã đề xuất với chính quyền địa phương tạo điều kiện triển khai mô hình. Theo đó, HTX đã thuê 1ha đất tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn để trồng rau thủy canh trên cơ sở liên kết với Công ty CP An Hòa theo hình thức HTX có mặt bằng, DN đầu tư công nghệ và nhà xưởng (nhà lưới, kho lạnh, xưởng sơ chế rau…).

Khu trồng rau thủy canh 3.000m2 được đầu tư xây dựng bài bản và hiện đại từ công nghệ trồng rau tự động đến hệ thống điều khiển lượng nước, dẫn chất dinh dưỡng nuôi cây… Ưu điểm lớn nhất của mô hình là trồng trong nhà lưới, rau không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sạch dịch bệnh nên hoàn toàn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đáng nói, trồng rau bằng phương pháp thủy canh cho sản phẩm đồng đều, chất lượng an toàn, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng hiệu quả sử dụng đất. Trên cùng một đơn vị diện tích, năng suất của rau trồng thủy canh gấp 4 - 5 lần so với rau trồng phương pháp truyền thống.

Hiện, trung bình mỗi tháng HTX thu hoạch 5 tấn rau các loại (rau muống, rau cải, rau xà lách...), toàn bộ sản lượng được đưa vào hệ thống kinh doanh của Công ty CP An Hòa. Với giá bán bình quân từ 25.000 - 45.000 đồng/kg rau, mô hình đang cho HTX thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm. Nhằm từng bước tạo dựng chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường, bên cạnh việc tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, HTX đã triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm. Ông Phương cho hay, mô hình trồng rau thủy canh của HTX được TP đánh giá cao khi là một trong số mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu liên kết với DN trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Vì vậy, HTX đang tiếp tục hoàn thiện mô hình để nông dân, HTX trên địa bàn TP đến tham quan, học tập, làm cơ sở nhân rộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần