Các trường nghề nên cam kết việc làm cho học sinh, sinh viên

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/4, tại hội nghị về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho rằng, nếu các trường cam kết sinh viên ra trường có việc làm ngay thì việc tuyển sinh sẽ tốt.

Báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Vũ Xuân Hùng cho biết, năm qua công tác tuyển sinh có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhất là chỉ tiêu trung cấp đầu vào là THCS.

Phó Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội ký kết hợp tác với DN tại hội nghị tuyển sinh hôm nay 2/4. Ảnh: Đặng Mạnh Dũng.

Năm 2017, GDNN tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người, đạt 100,2% so với kế hoạch năm 2017. Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh cao như: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật sửa chữa, Lắp ráp máy.
Trong năm qua, 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao vào năm 2020, đã tuyển sinh được hơn 158.000 chỉ tiêu (tăng 5% so với năm 2016), chiếm 8,5% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh trên cả nước.
“Chất lượng đào tạo được cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo của 63 sở LĐTB&XH, năm 2017, tính trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 80%. Trong đó, tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 79%, TC 82%”- ông Xuân Hùng thông tin thêm.
Để đạt được kết quả này, có nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các DN thông qua việc ký kết trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HS,SV) sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn như trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cam kết học xong lương 7 triệu đồng/tháng, nếu không được sẽ trả học phí.
Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với DN thì tỷ lệ HS, SV tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay ở mức cao. Cụ thể là trường CĐN Kỹ thuật - Công nghiệp, trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, CĐN Số 1… tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100%.
Mức lương khởi điểm bình quân của SV sau khi tốt nghiệp CĐ đạt 5,2 triệu đồng/tháng; HS TC đạt 4,6 triệu đồng/tháng. Một số ngành nghề lương khá cao, có thể kể đến như Điều khiển phương tiện thủy nội địa lương 7 triệu đồng/tháng; vận hành cần, cẩu trục lương 6 - 8 triệu đồng/tháng. Có những nghề, SV tốt nghiệp ra trường có mức lương lên tới 9 - 10 triệu đồng/tháng, thậm chí lên tới 10 triệu đồng/tháng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, tuyển sinh chỉ là phần ngọn, phần gốc là đầu ra. Nếu các trường cam kết sinh viên ra trường có việc làm ngay thì tin rằng việc tuyển sinh sẽ tốt. “Các trường mạnh dạn cam kết giống trường CĐN Cơ điện Hà Nội, nhất là những trường được chọn là trọng điểm, và phải gắn trách nhiệm của hiệu trưởng vào công việc này” – Thứ trưởng Lê Quân hy vọng.
Theo ông Quân, để HS, SV học nghề ra trường có việc làm ngay, các trường phải xem nhu cầu thị trường lao động cần gì để điều chỉnh lại chỉ tiêu đào tạo. Bộ LĐTB&XH sẽ linh hoạt cho các trường đàm phán và ký kết với DN ban hành chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của DN. Tránh tình trạng dạy hết môn, hết chương trình như DN lại phải đào tạo lại.
Đối với Tổng cục GDNN, cuối tháng 4 và đầu tháng 5 phải đẩy mạnh truyền thông, làm rầm rộ ở các tỉnh, để làm thay đổi nhận thức của xã hội. Các trường phải vào từng thôn, xã để tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh, hướng tới đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS lứa dê vàng. Đồng thời lấy DN và tự chủ làm trọng tâm và lấy CNTT làm chuẩn hóa để đổi mới.