Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: 10 ngày, công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều đã hoàn tất

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 cho đến nay đã hoàn thiện dù thời gian gấp gáp.

Ngày 25/2, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ hai.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo lịch trình, lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 27-28/2 tới tại Thủ đô Hà Nội. 

10 ngày chuẩn bị nước rút

Thông tin về tình hình công tác chuẩn bị cho hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết đây là sự kiện quốc tế đón nhận quan tâm hàng đầu của người dân khu vực và thế giới. 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quyết định về nội dung do hai quốc gia cũng như lãnh đạo của Triều Tiên và Mỹ.

 Quang cảnh họp báo tại Trung tâm báo chí quốc tế sáng 25/2. 

Về phía Việt Nam, cụ thể là TP Hà Nội đã được hai quốc gia đề nghị làm địa điểm cho sự kiện này. “Đây là niềm vinh dự và chúng ta sẵn sàng nhận công việc này, đảm bảo an ninh, công tác hậu cần tổ chức... tạo không khí tốt nhất cho hội nghị đạt kết quả cao”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Theo đó, Lãnh đạo, Nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội mong muốn thông qua việc tổ chức Hội nghị lần này sẽ thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đóng góp trực tiếp vào vào việc xử lý các vấn đề quốc tế thông qua đối thoại, tìm ra giải pháp, hướng tới hòa bình khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn giới thiệu những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập kỷ qua qua, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt về Hà Nội, TP hơn 1000 năm tuổi và sự kiện diễn ra đúng dịp 20 năm Thủ đô được vinh danh Thành phố vì hòa bình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, với thời gian chuẩn bị ngắn, khoảng 10 ngày kể từ lúc có thông tin chính thức, Việt Nam đã thực hiện các công tác bảo đảm an ninh, vật chất, cơ sở hạ tầng… Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo Thủ đô Hà Nội cho rằng đây là công tác đột xuất nhưng có tầm quan trọng hàng đầu trong hoạt động đối ngoại năm 2019.  Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn thiện cơ bản về tất cả các mặt.

Các đoàn tiền trạm của hai nước đều cảm ơn và đánh giá cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn của Việt Nam.  “Ở Việt Nam, một trong những nét đẹp của công tác đảm bảo an ninh là sự mềm mại”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói thêm.  

Về dư luận quốc tế cho đến nay đều trông đợi, mong muốn có tín hiệu tích cực sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ hai, đánh giá cao việc chọn Việt Nam, cho đây là địa điểm phù hợp và ý nghĩa cho sự kiện này.

“Người nhà” của các phóng viên trong nước và quốc tế.

Thông về về công tác báo chí và hạ tầng cơ sở cho phóng viên trong những ngày hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong những ngày tác nghiệp, Bộ TT&TT sẽ là “người nhà” của các phóng viên. Cho đến nay có gần 3.000 phóng viên quốc tế thuộc trên 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ và gần 550 phóng viên Việt Nam. Số lượng hãng thông tấn báo chí lớn hơn so với sự kiện APEC tại Đà Nẵng năm 2017.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đối với sự kiện APEC Việt Nam có gần 3 tháng để chuẩn bị trong khi chỉ có khoảng 10 ngày cho sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2.

Hạ tầng cơ sở vật chất cho Trung tâm báo chí quốc tế sẽ đảm bảo cho gần 4.000 phóng viên với gần 1500 điểm truy cập internet cố định, trên 30 trạm phát sóng 4G, 3G và vị trí thuận lợi cho tác nghiệp.