Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chỉ ra bất cập trong việc xây dựng quy định về chứng chỉ nghề nghiệp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã thẳng thắn trao đổi về những bất cập trong việc yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong đó có chứng chỉ nâng hạng giáo viên, mà một nguyên nhân quan trọng là do thiếu nội dung quy định chuyển tiếp.

Theo Thứ trưởng, sáng 19/3 Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành sửa đổi Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và những quy định khác liên quan đến các chứng chỉ để thăng hạng viên chức, trong đó có giáo viên. Theo ông Thăng, việc này liên quan Nghị định 18/2010 và sau này là Nghị định 101/2017. Năm 2019, Quốc hội sửa Luật CBCC, Luật VC có nhiều điểm mới; trên tinh thần của luật mới, Chính phủ ban hành 2 nghị định về vị trí việc làm (VTVL) đối với công chức và viên chức quy định rõ bảng mô tả công việc, xác định khung năng lực. Nghị định cũng phân cấp thẩm quyền cho Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể VTVL và mô tả, xác định khung năng lực. Đối với giáo viên thì Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm việc này và đương nhiên phải thống nhất với Bộ Nội vụ.

Từ đó, ngay tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đặc biệt lưu ý các vụ thuộc Bộ khi xây dựng các văn bản (kể cả nghị định, thông tư) phải lưu ý có nội dung quy định chuyển tiếp, bởi vì, tất cả phản ánh hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp. Một chuyên viên cao cấp chẳng may thiếu chứng chỉ chuyên viên chính, bị yêu cầu học lại chuyên viên chính thì rõ ràng không sát thực tiễn. Vì vậy, phải có quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành quy định chứ không phải “hồi tố”.

“Các văn bản hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp. Đề nghị cán bộ khi làm văn bản quy phạm pháp luật hết sức lưu ý điều khoản chuyển tiếp, áp dụng từ nay trở đi với cái gì, ra làm sao, với những người cũ thì hướng xử lý thế nào… Như vậy mới thực tiễn. Còn nếu vẫn quy định như hiện nay mà không có quy định chuyển tiếp có nghĩa là hồi tố”, ông Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (trái) trao đổi tại buổi họp báo 

Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải rà soát tổng thể các chứng chỉ để xác định chứng chỉ nào dùng để bổ nhiệm, nâng ngạch, chứng chỉ nào mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn với nghĩa cập nhật kiến thức; cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích. “Vụ Công chức - Viên chức khi sửa Thông tư về Công chức hành chính và công chức lưu trữ cũng phải rà soát lại. Công chức chuyên ngành của các bộ như thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng, thanh tra… cũng cần tổng rà soát toàn bộ”- ông Thăng đề nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Duy Thăng, các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có lịch sử là từ năm 1993 khi làm chế độ tiền lương theo chức nghiệp; trong quá trình khi có luật phân cấp dần cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ Đào tạo và Vụ Công chức - Viên chức khi xây dựng các văn bản cũng cần cố gắng rà soát lại trên tinh thần phân cấp toàn diện. “Nghị định 99/2012 phân cấp rất cụ thể, rất mạnh. Đã phân cấp rồi thì bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm. Như tiêu chuẩn của giáo viên thì Bộ GD-ĐT phải chủ trì chịu trách nhiệm; Bộ Nội vụ chỉ tham gia để đảm bảo thống nhất chung” - Thứ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị sửa Nghị định 101 đảm bảo tính liên thông, thống nhất với VTVL và các yêu cầu nội dung của Nghị định 106/2020 đối với viên chức và Nghị định 62/2020 đối với công chức, trên cơ sở Luật Cán bộ Công chức, Viên chức năm 2019 để đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bởi, nếu theo tư duy cũ của chế độ chức nghiệp năm 1993 thì không theo thực tiễn, hiện nay ta đang hỗn hợp giữa chức nghiệp và VTVL chứ không phải hoàn toàn theo VTVL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần