Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng với PV báo Kinh tế & Đô thị trước thềm Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - TECHFEST Vietnam 2016.

Vào 2 ngày 12-13/11 sắp tới, tại Hà Nội, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - TECHFEST Vietnam 2016 - sẽ chính thức được tổ chức. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nơi quy tụ tất cả các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các nhóm khởi nghiệp mới.
Trước thềm sự kiện này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã có cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam.
PV: Thứ trưởng có thể đánh giá về những thuận lợi và khó khăn đối với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Là người đang theo dõi quản lý về hoạt động khởi nghiệp, tôi nhận thấy đây là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam.
Điều này thể hiện qua các chỉ đạo của Đảng, văn bản của Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đều nói về khởi nghiệp… Bên cạnh đó, trong tâm lý của xã hội hiện nay mọi người nói đến khởi nghiệp rất nhiều và đây là những thuận lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, nhất là việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng nhất. Ngoài việc có một tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều mà trong quá trình học tập tại các trường đại học, kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một cách đầy đủ.
Ví dụ các trường về khoa học dạy các kiến thức về chuyên môn nhưng không ai dây cho các kiến thúc về pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường…
Bộ KH&CN cũng đang bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào một số trường nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên như khối trường kỹ thuật, thương mại và những trường liên quan đến hoạt động có thể khởi nghiệp, giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp của mình.
 Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chính phủ đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp
PV: Bộ KH&CN có vai trò gì trong việc tạo cầu nối giữa nhà đầu tư với các đơn vị KH&CN khởi nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN để hỗ trợ và tạo lập hệ thống hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/Qđ-TTg ngày 18/5/2016, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một Đề án quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh tăng cường kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái không chỉ trong phạm vi Việt Nam, còn cần tạo cơ hội để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hội nhập quốc tế, thông qua tổ chức các đoàn ra, đoàn vào, tham gia các sự kiện khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới để kết nối đầu tư, quảng bá thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam và tạo cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các khóa đào tạo nhằm học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài.
Bộ KH&CN cũng đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm đến nhau như mời các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến các sự kiện khởi nghiệp như TECHFEST; đưa các nhóm khởi nghiệp tiềm năng ra nước ngoài, đến các sự kiện khởi nghiệp lớn trên thế giới tại Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp được thể hiện ở một số hoạt động như: Đề án thương mai hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), Chương trình Đổi mới Sáng tạo (IPP), Cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel năm 2014”, hoạt động “Kết nối đổi mới sáng tạo 2016”; hoạt động tham quan học hỏi tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Israel, Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapore, TECHFEST 2015…
PV: Theo Thứ trưởng cơ chế chính sách cần có những đổi mới căn bản nào để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Trước hết phải khẳng định, chính sách là một vấn đề quan trọng cho khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp thời gian qua và sự chỉ đạo của Chính phủ, gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã dành môt chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó nội dung hoạt động khởi nghiệp đã được đưa vào và đã hình thành quy định cụ thể. Ngoài ra cần ban hành những văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam, hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp.
Ngoài ra các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, ví dụ các nhà đầu tư từ nước ngoài muốn đưa tiền vào Việt Nam đầu tư cho khởi nghiệp được phép chuyển tiền ra khởi Việt Nam khi DN làm ăn tốt. Hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp cần phải nhìn tổng thể vào các dự án họ đầu tư chứ không thể đánh thuế trên một dự án thành công, mà cần đánh giá ngay trên những dự án thất bại…như vậy sẽ khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.
Chúng ta cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu, điều đó mới giúp cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam thuận lợi.
PV: Chủ chương và những hoạt động cụ thể Bộ đã, đang và sẽ làm để có thể hỗ trợ thu hút đầu tư cho các startup?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Liên quan đến vấn đề đầu tư cho các khởi nghiệp của Việt Nam, chúng tôi đã và đang huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa. Đề nghị các Quỹ như Quỹ đổi mới sáng tạo Quốc gia, Dự án Fist….là những nơi có nguồn lực để giúp cho hoạt động khởi nghiệp và đưa những nội dung khởi nghiệp vào để nhận được sự hỗ trợ.
Đối với các Quỹ nước ngoài, chúng tôi tạo ra các hoạt động liên kết, đưa các khởi nghiệp đến làm việc với các Quỹ trong và ngoài nước. Đưa các khởi nghiệp sang các nước mạnh về khởi nghiệp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Isarel… có thể gặp gỡ, trao đổi bàn luận và đi đến những hợp tác đầu tư hỗ trợ cho các startup Việt Nam.
PV: Thứ trưởng đánh giá thực trạng hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam đang ở xuất phát điểm như thế nào?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Không phải đất nước nào cũng khởi nghiệp thành công và Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp. Đây là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới có quốc gia khởi nghiệp thành công như Israel, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Chúng ta đi sau nhưng có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng vàng.
Xin cảm ơn ông!