Thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải: Còn thiếu đồng bộ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/11, Sở GTVT Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với DN về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Tại đây, nhiều vướng mắc đã được DN nêu lên, có vấn đề được Sở GTVT làm rõ nhưng cũng có những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ GTVT, chưa được giải đáp thỏa đáng.

Doanh nghiệp còn lơ là

Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết 93 TTHC các loại. Trong đó 92/93 TTHC (99%) đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà chia sẻ, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của Sở GTVT luôn xác định, cải cách TTHC là khâu đột phá. do đó, Sở thường xuyên rà soát, cập nhật những vướng mắc trong giải quyết TTHC để kịp thời báo cáo Bộ GTVT, UBND TP, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
 Hoạt động kinh doanh vận tải tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh Công Hùng
Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đỗ Hương Giang cho biết: “Trong quá trình giải quyết TTHC, chúng tôi cũng nhận thấy một số hạn chế xuất phát từ việc nhiều DN chưa nghiên cứu và chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh vận tải dẫn đến không đáp ứng quy định khi giải quyết TTHC”. Thời gian qua, vẫn có DN chưa thực hiện báo cáo định kỳ kết quả kinh doanh vận tải hàng tháng; không tập huấn hoặc tập huấn không đúng quy định cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe… Về việc này, Sở GTVT Hà Nội đã đăng tải các thông tin hướng dẫn trên website sogtvt.hanoi.gov.vn, gửi tới DN; thông tin qua các kênh truyền thông, báo chí. Song số DN vào website đọc thông tin còn rất ít, nhiều DN vẫn lơ là trong việc tìm hiểu, chuẩn bị đầy đủ thủ tục, dẫn đến phải hướng dẫn làm đi làm lại mới hoàn chỉnh.

Chờ Bộ GTVT trả lời

Tại hội nghị, nhiều DN đưa ra những vướng mắc, bất cập nằm ngoài thẩm quyền quyết định của Sở GTVT Hà Nội. Ví dụ như trường hợp của Công ty Vận tải thiết bị Toàn Bộ, gặp vướng mắc khi xin cấp Giấy phép vận tải hàng hóa và container. Đại diện đơn vị này cho biết: “Phương tiện của chúng tôi có lắp đặt, vận hành thiết bị GPS nhưng website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại không truyền về Sở GTVT Hà Nội, buộc chúng tôi phải mang Đăng kiểm gốc lên Sở để giải trình. Đề nghị Tổng cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm, trích xuất dữ liệu thường xuyên đưa lên mạng để Sở địa phương nắm bắt được tiện cho việc cấp Phù hiệu cho DN”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Hương Giang cho hay, Sở đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề nghị nâng cấp hệ thống trực tuyến để cập nhật kịp thời với hệ thống dịch vụ công của Bộ. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm trả lời hiện vẫn đang trong quá trình nâng cấp, chưa hoàn chỉnh.

Đại diện Công ty TNHH Logitem Việt Nam lại nêu thắc mắc, với những xe đăng ký biển kiểm soát ký hiệu LD có cần phải đổi biển số sang màu vàng hay không? Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội không trả lời được vì liên quan đến các quy định do Bộ GTVT hướng dẫn. Sở sẽ có văn bản kiến nghị Bộ làm rõ.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, trước mắt Sở GTVT Hà Nội vẫn cấp phù hiệu tạm để phương tiện hoạt động, phục vụ sản xuất kinh doanh. Khi Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể, Sở sẽ thu hồi phù hiệu cấp tạm và cấp mới lại theo quy định.

Có thể thấy, thời gian qua, TTHC trong lĩnh vực GTVT đã được cắt giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho DN, cá nhân kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị tỏ ra khá mơ hồ về TTHC do không chịu tìm hiểu kỹ. Bên cạnh đó, còn nhiều quy định, chính sách chưa rõ ràng, đầy đủ hoặc chưa phù hợp cần được Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh sớm, tránh gây phiền hà cho người dân, DN.

Tính đến 30/11/2020, Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 32.905 hồ sơ hành chính. Trong đó cấp mới, cấp lại 1.029 Giấy phép kinh doanh vận tải; cấp đổi 22.460 Phù hiệu, biển hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải; cấp 1.159 Giấy phép liên vận quốc tế; 4.683 Giấy chứng nhận thẩm định cải tạo thiết kế xe cơ giới…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần