Thủ tướng Anh lần cuối dự Hội nghị Thượng đỉnh EU

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh Mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) chính thức khai mạc tại Brussels, Bỉ trong ngày 9/3.

Theo đó, hội nghị sẽ kéo dài hai ngày và tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của khối liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, nhập cư và đặc biệt là tương lai của một châu Âu mới sau khi Anh rời khỏi khối (Brexit).

 Hội trường diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU.

Đây có thể là Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng mà Thủ tướng Anh Theresa May tham dự, trước khi chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit kéo dài 2 năm. Trong phiên họp này các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiến hành bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu mới, khi Chủ tịch đương nhiệm Donald Tusk kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 tới. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra ở Malta, ông Donald Tusk đã tuyên bố tiếp tục ra ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo.

Được biết, 27 nước thành viên còn lại sẽ tiếp tục có cuộc họp mà không có sự tham dự của nhà lãnh đạo Anh, chuẩn bị cho một “châu Âu đoàn kết” - nội dung chính của cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo tại Rome, Italia vào 25/3 tới, đúng dịp kỉ nệm 60 năm kí Hiệp ước Rome tạo nền móng thành lập EU.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, để đưa EU trở lại một thể thống nhất tương đối khó khăn, nhất là trong bối cảnh việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Mới đây, Chủ tịch đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết: “Ông Donald Tusk là nhà chính trị gia đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của EU. Một đại diện của chính quyền khối trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên phá vỡ quy tắc lập trường trung lập khi đề cập đến vấn đề nội bộ của các nước thành viên. Những người phá vỡ các qui tắc cơ bản này không thể là chủ tịch Ủy ban châu Âu và chắc chắn chúng tôi không ủng hộ”.

Trong khi đó, cũng xuất hiện những bất đồng trong ý tưởng xây dựng châu Âu theo hình thức “đa tốc”, với việc các quốc gia thành viên có thể tự quyết những vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối cũng vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Các nước lớn trong khối như Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha ủng hộ, nhưng một số nước Bắc và Đông Âu lo ngại “chính sách đa tốc” này có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây bất lợi cho họ. Mặc dù vậy, một số quan chức EU đang tìm kiếm các thỏa hiệp để giải quyết bất đồng trong khối cho rằng thông điệp quan trọng đưa ra từ Rome sẽ phải là sự đoàn kết và thống nhất của năm 2017.