7 nhóm vấn đề, đề xuất kiến nghị gửi đến Thủ tướng

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/5 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt với gần 1.000 công nhân, lao động của 7 tỉnh, TP và nhiều công đoàn ngành trong cả nước. Đã có rất nhiều tâm tư nguyện vọng của các DN, công nhân được đề đạt lên các bộ ngành, Chính phủ.

Quang cảnh buổi gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và CNLĐ kỹ thuật.

Học chưa đi đôi với hành
Chị Trần Thị Lan Anh, làm việc tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng, tại các DN, đội ngũ CN trực tiếp sản xuất chiếm số lượng lớn và là lực lượng sản xuất chính.
Qua thực tế công việc, chị Trần Thị Lan Anh nhận thấy và đề xuất: "Chủ DN cần tạo môi trường làm việc để ai cũng có thể được tự tin sáng tạo, dù chỉ là các sáng kiến nhỏ nhất. Chính phủ cần xem xét xây dựng trung tâm hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ) nghiên cứu khoa học ở các tỉnh, thành, có chính sách hỗ trợ các tác giả để họ có thể hoàn thành được ý tưởng sáng tạo và đưa vào áp dụng trong thực tế".
Liên quan đến chính sách hỗ trợ công nhân, ông Phan Quang Liền, người có 30 năm làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29-3 đề nghị Chính phủ: "Hiện nay, thiết bị hiện đại chính là một trong các yếu tố để DN cạnh tranh, tạo ra lợi thế cho mình. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ lực lượng lao động kỹ thuật cao để tiếp cận kiến thức mới, nâng cao trình độ".
Anh Đinh Đăng Đoàn - Đại diện các công nhân phát biểu ý kiến với Thủ tướng.

Còn anh Phan Anh Hây, có 9 năm làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cho rằng: "DN cần thực hiện quản trị hiện đại, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ để CN vừa học hỏi, vừa phát huy năng lực, sáng kiến, sáng tạo của mình trong công việc. Thay đổi công nghệ đi liền với tự động hóa số hóa, tối ưu hóa...
Việc này phải bắt đầu từ DN và do DN. Chính phủ cần xác định tiêu chí DN phát triển công nghệ cao cấp vùng để khuyến khích DN đầu tư máy móc kỹ thuật, dây chuyền công nghệ cao, tuyển dụng CNLĐ kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo CN tiếp cận được dây chuyền máy móc đó".
Dưới góc độ là một DN sử dụng LĐ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cồ phần Cơ điện lạnh REE nhận định: "DN đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển người nhưng những người được tuyển dụng chưa bắt tay vào làm việc được ngay và rất ngỡ ngàng trước thực tế công việc được yêu cầu. Những người giỏi cần 1 năm, những người kém hơn cần 2 năm để đào tạo lại thì mới bắt tay vào làm việc được".
Cũng theo bà Mai Thanh, người Việt Nam thường chuộng bằng cấp, thích con em có bằng đại học. Trong khi đó, người Đức có quan điểm rõ ràng là cần kỹ sư, công nhân, nên trong chương trình đào tạo hướng nghiệp đã định hướng ai làm kỹ sư, ai làm CN, và ở Đức lương CN kỹ thuật cao cao hơn lương kỹ sư.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cồ phần Cơ điện lạnh REE chia sẻ về công tác đào tạo.

Do đó, đào tạo phải có hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh, sinh viên trong tương lai. Nên tổ chức những trường đào tạo nghề, đào tạo lại và DN sẵn sàng hỗ trợ các trang, thiết bị để đào tạo nghề sao cho CN được đào tạo kiến thức, tay nghề, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu ngay sau khi ra trường.
Trong môi trường hội nhập, CN, nhất là CN kỹ thuật cao nên trau dồi ngoại ngữ, công nghệ để có thể học hỏi và giao tiếp với chuyên gia nước ngoài nhằm học tập những kiến thức, khoa học, kỹ thuật mới, kỹ năng. CN thiếu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ thì không thể có thu nhập cao được.
Cần có chính sách khuyến khích DN
Tại buổi gặp gỡ CNLĐ kỹ thuật, Thủ tướng khẳng định, lực lượng CNLĐ có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, 17,5 triệu LĐ có quan hệ LĐ trong tổng số hơn 53 triệu LĐ thì chưa đầy 19% CN có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là LĐ phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường LĐ giá rẻ nữa.
Thủ tướng với công nhân lao động kỹ thuật.

Tại buổi gặp mặt với CN, sau khi nghe các ý kiến trăn trở của DN, người lao động, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc các bộ ngành có ý kiến giải đáp thắc mắc của DN, đưa ra hướng tháo gỡ...
Tại buổi gặp mặt, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những năm gần đây đất nước phát triển nhanh về kinh tế, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ CN kỹ thuật cao, họ tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh...
Để phát triển mạnh mẽ DN, các bộ, ngành phải có các chính sách kinh tế thực tế để khuyến khích DN đầu tư công nghệ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao phải được ưu đãi về thuế. Chúng ta cần phải khơi dậy khát vọng DN Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế...
Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Tôi đồng ý cao với các kiến nghị phải gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. DN, NLĐ chính là những tế bào đóng góp cho sự phát triển đất nước. Giải pháp là cải cách chính sách, hệ thống tiền lương sao cho tiền lương phải gắn với các giá trị thực, vì tiền lương là yếu tố hết sức quan trọng để tạo động lực phát triển của NLĐ và DN".

7 nhóm vấn đề, đề xuất kiến nghị gửi đến Thủ tướng

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung, với 7 nhóm vấn đề:

1. Kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí.

2. Kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, công nhân mỏ ngành than.

3. Kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

4. Kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, các y, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không.

5. Kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.

6. Kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.

7. Kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.