Thủ tướng: Đừng để đất Nhà nước thì thừa mà người dân lại thiếu đất sản xuất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tổ chức sáng 18/11. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng tham dự hội nghị quan trọng này.

Bước chuyển về hiệu quả hoạt động
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, 3 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 11 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn đã được ban hành. Ở hầu hết các địa phương, việc cắm mốc, xác định ranh giới, diện tích của các công ty nông, lâm nghiệp quản lý đã được xử lý dứt điểm.
Các công ty nông, lâm nghiệp đang lựa chọn một trong 3 phương án sắp xếp, chuyển đổi: Mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước; mô hình công ty cổ phần; mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Trường hợp không thể chuyển đổi thì có thể tính phương án giải thể nông, lâm trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
Theo đó, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp. Sau chuyển đổi, các công ty đã đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh mới, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực.
Trước sắp xếp, vốn chủ sở hữu trung bình tại các công ty nông, lâm nghiệp là 96,89 tỷ đồng, doanh thu bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty. Sau sắp xếp, tình hình tài chính các công ty nông, lâm nghiệp lành mạnh hơn, cơ bản giải quyết được nợ khó đòi; vốn chủ sở hữu tăng lên trung bình 127,1 tỷ đồng/công ty.
Đặc biệt, quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp cơ bản không gây biến động lớn về lao động. Hiện, các công ty đang tiếp tục sử dụng 173.617 người, trong đó, số lao động được đóng bảo hiểm xã hội là 99.745 người.
Song song với kết quả trên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện các nội hàm của Nghị quyết số 30-NQ/TW vẫn còn những hạn chế. Công tác quản lý đất đai tại một số công ty còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp. Hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế.
Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít (hiện mới đạt 91.419/462.980ha). Một số địa phương khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các tồn tại về tài chính; chưa tiếp cận được vốn tín dụng do dự án sản xuất, kinh doanh chưa khả thi…
Chú trọng sinh kế cho người dân
Bên cạnh việc ghi nhận kết quả triển khai tại các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng đối với quốc kế dân sinh. Dù vậy, việc triển khai Nghị Quyết số 30-NQ/TW tại một số địa phương chưa đạt kết quả mong muốn.
“Việc đo đạc đất nông lâm nghiệp làm cơ sở chuyển đổi là khâu cốt lõi, nhưng nhiều địa phương đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Nguồn lực đất đai đặc biệt quan trọng, nhưng nhìn chung vẫn chưa khai thác được nhiều. Khi bình quân đất đai theo đầu người của Việt Nam còn thấp mà để lãng phí như vậy thì cần rút kinh nghiệm sâu sắc…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị 
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, các công ty sau chuyển đổi chưa thu hút được đầu tư, hiệu quả sử dụng đất thấp. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra, một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là sự chỉ đạo của một số địa phương thiếu chặt chẽ, thậm chí, vẫn còn hiện tượng “lợi ích nhóm” trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, dẫn đến khiếu nại tố cáo…
Để phát triển các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có giải pháp khơi thông, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nghiêm cấm phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm, tạo việc làm cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc.
“Các địa phương phải coi sắp xếp, ổn định hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Mục tiêu này thực tế đã chậm rồi, không thể chậm trễ hơn được nữa…” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Trong quá trình sắp xếp, các công ty cần tính toán lại, nơi nào nông dân thiếu đất thì trả lại đất cho địa phương để giao lại cho người dân.
“Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với tạo sinh kế cho người dân, đừng để đất Nhà nước thì thừa bứa mà bà con bị thì thiếu đất sản xuất. Các đơn vị quản lý diện tích đất lớn mà hoạt động kém hiệu quả phải đặc biệt lưu ý vấn đề này” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị trong thời tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, vừa thực hiện sắp xếp, nhưng cũng cần chú trọng thông tin để tổ chức, DN, người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sắp xếp. Đặc biệt, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về hiệu quả thực thi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần