Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Giảm thiểu rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, đại diện nhiều bộ ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, TP tại các đầu cầu trực tuyến. Tại Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu và đại diện một số sở ngành cũng tham dự hội nghị quan trọng này. 
224 người chết và mất tích 
Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho thấy, thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng là năm có nhiều yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền. Trên cả nước đã xuất hiện 16/21 hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị 
Thiệt hại do thiên tai dù có đã giảm so với trung bình nhiều năm, nhưng vẫn khiến 224 người chết và mất tích. Bên cạnh đó, 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tầu thuyền bị chìm…Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước: mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển,... nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại người và tài sản. Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến ngày 1/6, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to gây lũquét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái. Thiên tai từ đầu năm đã làm 23 người chết, mất tích và thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân. 
Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời 
Theo đánh giá, năm 2018, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai chủ động, kịp thời và hiệu quả. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, người dân, cộng đồng đã vào cuộc chủ động, quyết liệt.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã ra 67 công điện và văn bản chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo khi xảy ra các thiên tai lớn. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương xử lý, ứng cứu kịp thời, hiệu quả các sự cố công trình PCTT ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ đập.
 Hộ đê bảo vệ vùng dân cư trong mùa mưa bão 2018 tại Hà Nội
Các bộ ngành, địa phương đã huy động, triển khai kịp thời các lực lượng tham gia ứng phó và TKCN trong các tình huống thiên tai. Cụ thể, đã huy động 362.426 lượt cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác xử lý trên 1.200 vụ, cứu được 1.560 người, 88 phương tiện. Kêu gọi và thông báo cho trên 804.000 lượt phương tiện/3.680.000 lượt người biết thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới; giúp dân chằng chống trên 265.000 nhà; hỗ trợ sơ tán 137.734 hộ/681.265 người trong vùng thiên tai đến nơi an toàn...
Đặc biệt, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ góp phần giúp đồng bào các tỉnh khắc phục nhanh chóng hậu quả thiên tai. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 9.461 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách T.Ư và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA; hỗ trợ 5.705 tấn gạo cứu đói, 1.234 tấn giống hạt giống các loại… để hỗ trợ người dân vùng thiên tai ổn định đời sống. 
Chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn trong phòng, chống thiên tai 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hội nghị có sự tham gia của hơn 25.000 cán bộ các cấp chứng tỏ toàn hệ thống chính trị đã và đang nhận thức ngày một rõ hơn về tầm quan trọng của công tác PCTT. Đây là điều hết sức quan trọng đối với mục tiêu giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.   
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng công nghệ phòng chống thiên tai bên lề hội nghị
Theo nhận định của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là 1 trong 10 quốc gia bị thiên tai đe doạ lớn nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không chủ động phòng chống, thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, vấn đề đặt ra là không được phép chủ quan và cộng đồng phải cùng chung tay trong công tác PCTT. “Các cấp uỷ chính quyền phải có phương án cụ thể để ứng phó, vì thiên tai có thể xảy ra ở bất cơ nơi đâu, bất cứ khi nào” – Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTT năm 2019 là “Chủ động, kịp thời và hiệu quả hơn”, nhằm bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước, không để người dân nào phải sống trong cảnh màn đời chiếu đất, bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng cho rằng, PCTT cần được xem là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Yêu cầu đặt ra đối với công tác PCTT là cần xây dựng xã hội an toàn trước hiên tai, lấy phòng ngừa là chính.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, các địa phương kiện toàn cơ quan PCTT các cấp; phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng thành viên. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT trong cộng đồng dân cư. Tăng cường chất lượng công tác dự báo PCTT. Nâng cao khả năng PCTT của các công trình, nhất là hồ đập, đê bao…
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo. Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật đồng bộ hiệu quả, xây dựng đội ngũ tham mưu PCTT chuyên nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, huy động các nguồn lực cho PCTT & TKCN. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTT. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng rà soát phương án huy động lực lượng ứng phó thiên tai, không để bị động bất ngờ.
Liên quan tới bảo vệ an toàn các công trình PCTT, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, vì thực tế có một số địa phương triển khai nâng cấp hệ thống đê điều rất chậm, dù nay đã là cuối tháng 6. “Các địa phương cần nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc, thậm chí là có thể xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ chậm triển khai, không để vào mùa mưa bão rồi mà các công trình chưa hoàn thành” – người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Các địa phương đóng vai trò trọng tâm trong PCTT và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với việc thực hiện công tác này. Thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong công tác PCTT. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần, mục tiêu chỉ đạo trong PCTT năm 2019 là “Giảm thiểu rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, bởi nhận thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng, góp phần rất lớn vào hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần