Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế nước ta đã chuyển từ bị động sang chủ động

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, tại phiên thảo luận Tổ về tình hình kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hải Phòng) đã có nhiều trao đổi xung quanh các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu ra.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về ý kiến của các đại biểu.
Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với ý kiến đánh giá. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị trong Đảng được nhân lên rất nhiều. Đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.
“Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước. Cả 3 lĩnh vực mà Tổng Bí thư đã nêu trong phát biểu ở hội nghị Chính phủ cuối năm, kết luận tại Hội nghị T.Ư vừa qua và đặc biệt tại phiên họp Quốc hội lần thứ 4 vào tháng 10/2017 cũng đã kết luận, kinh tế xã hội phát triển, đối ngoại, quốc phòng an ninh được giữ gìn, uy tín quốc tế của chúng ta được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhất là về kinh tế - xã hội” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đề cập đến những chỉ số về kinh tế vĩ mô từ lạm phát đến tỷ giá, nộp ngân sách cân đối mà các đại biểu phân tích, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kinh tế của nước ta đã chuyển từ bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều.

Lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình lên Quốc hội nợ công đến cuối nhiệm kỳ 13 ở mức độ 64,8-65%/GDP và bây giờ do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ còn còn trên 61%, Thủ tướng Chính phủ cho rằng như thế bảo đảm nền kinh tế an toàn do chúng ta đạt GDP trên 5 triệu tỷ đồng. Nếu chúng ta đạt trên 7 triệu tỷ đồng với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ chỗ đứng thứ 48 của thế giới thì bây giờ chúng ta đã đứng ở vị trí 40.

Đề cập đến vấn đề dự trữ Quốc gia, mà cụ thể là vấn đề năng lượng, Thủ tướng cho biết, bây giờ chúng ta không còn lo lắng đến vấn đề thiếu điện và dầu khí vì hai thứ này của chúng ta cũng tăng ở mức tốt. Hay như vấn đề ngoại hối, cuối nhiệm kỳ, chúng ta chỉ có khoảng 28 tỷ USD dự trữ (đây cũng là mức cao) nhưng trong 2 năm rưỡi qua, chúng ta đã tăng lên gần 64 tỷ USD với tỷ giá ổn định hơn và lạm phát được giữ vững. Từ đó, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi các tỉnh đều có chuyển biến và tạo ra sự thay đổi của đất nước rất lớn. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cung cấp tin vui khi chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh cũng tăng và tăng 14 bậc trong thời gia qua với mức tăng từ trung bình lên tích cực.

Để duy trì được kết quả này, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh hơn nữa, nhất là khu vực nông thôn. Bởi, 42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%. Do vậy, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn.

“Cần thấy được những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà quốc hội góp ý kiến, Chính phủ lắng nghe để khắc phục, xây dựng thể chế, luật pháp để trên đà thành công bước đầu của nhiệm kỳ này chúng ta tiếp tục thấy những bất cập để lãnh đạo đất nước phát triển hơn” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần