Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Trong khó khăn, thách thức phải đổi mới tư duy, thay đổi cách làm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của DN thuộc mọi loại hình sở hữu..." - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Sáng nay (28/3), tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt Chuyên đề “Chiến lược phát triển KT-XH hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025)”.

5 quan điểm phát triển, 5 bài học kinh nghiệm

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành... Song, nền kinh tế còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ KHCN, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp... Cùng đó, phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển KT-XH.

“Trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của DN thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới; tập trung khắc phục tác động của đại dịch Covid-19; xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, quan điểm phát triển thứ nhất được Thủ tướng nêu lên là phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đổi mới tư duy và hành cộng, chủ động nắm bắt cơ hội, phát triển hài hòa 3 trụ cột KT-XH và môi trường. 

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển đất nước; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế…

Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng.

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn lới ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Thứ năm, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt Chuyên đề “Chiến lược phát triển KT-XH hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025)”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một là, đảm bảo mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định; kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế. 

Hai là, thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục, đào tạo, KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. 

Ba là, đảm bảo cao nhất lợi lịch quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phát huy vai trò làm chủ, trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân. 

Bốn là, thực hiện tốt dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp. 

Năm là, giữ vững ổn định ANCT, đảm bảo TTATXH, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.

3 thành tố trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước

Đáng chú ý, trong bài phát biểu, Thủ tướng cho biết, chủ đề chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Trong đó, 3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược gồm: Động lực và tinh thần quyết tâm: Khơi đậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại; cách thức và phương tiện chủ yếu là: Huy động mọi nguồn lực phát triển nhan và bền vững trên cơ sở KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”- Thủ tướng nêu rõ. 

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược. Đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nâng cao chất lượng thể chế, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, ngành.

Đột phá thứ hai, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, KHCN đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị, văn hóa, con người Việt Nam; đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. 

Đột phá thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, mà trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, CNTT, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Quang cảnh "Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Tận dụng hiệu quả những cơ hội mới

Từ việc khẳng định những thành tố trọng tâm, khâu đột phá trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng CNH-HĐH dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm; xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới. Trong đó, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực một cách thực chất để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; đổi mới và nâng cao hiệu quả, đảm bảo DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về lượng và chất, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế… Cùng đó, phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa chiều rộng và chiều sâu; phát huy hiệu quả khu, cụm công nghiệp, tổ hợp công nghiệp quy mô lớn; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số… Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường; tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy nhanh, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân...

Để tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; từng cấp, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; chú trọng gỡ khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho người dân và DN sản xuất, kinh doanh. “Cần có kế hoạch cụ thể kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện; chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kịp thời, quy rõ trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu. Khi xuất hiện vấn đề mới, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị quyết định việc thực hiện thí điểm” - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần