Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Vượt qua thách thức để đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Công Thọ - An Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tích bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ như đại dịch COVID-19.

Do đó, cần phải có quyết tâm để vượt qua khó khăn, khôi phục nền kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Chính phủ với DN. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phải xắn tay áo vào, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho DN để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn này.
Tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Đại suy thoái của những năm 1930 (Lưu ý, năm 2009, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng của thế giới cũng chỉ giảm 1,68%).
Trong khi đó, Mỹ tăng trưởng âm 5,9%, khu vực Euro âm 7,5%. Kinh tế Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ, khi tăng trưởng âm 6,8% trong quý I so với cùng kỳ. Các nền kinh tế ASEAN-5 dự báo cũng tăng trưởng âm 0,6% trong năm nay.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Riêng với Việt Nam, cuối tháng 3, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay. Quý I vừa qua chúng ta đạt tăng trưởng 3,82%, mặc dù mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới. Nhận định của WB cho thấy Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á. Trong số các nước ASEAN-5, Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất.
Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội và sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay trong thời kỳ thuận lợi.
Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng DN Việt Nam là vô cùng lớn. Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh qua đi, các nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: (1) thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, (2) thu hút FDI, (3) đẩy mạnh xuất khẩu, (4) thúc đẩy đầu tư công, (5) khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Nhập cuộc với quyết tâm mạnh mẽ
Nhấn mạnh đến việc DN ở đất nước Việt Nam cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy DN tăng năng suất bởi chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận.
Để đạt được mục tiêu đó DN phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng luật pháp, thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, và hiệu quả.
Đồng thời DN cũng cần một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Đây là cơ hội để chúng ta không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin, mà còn cả bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động của chúng ta. Các DN kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển bản thân DN và giải quyết việc làm cho người lao động.Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng tốc phát triển.
Theo đó, các bộ ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN. Một tinh thần cải cách đổi mới thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn cần phải được hun đúc. Một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; một tinh thần dám đổi mới, kiến tạo phát triển; một tinh thần dựa vào sức mạnh của 100 triệu dân. Chúng ta cần lưu ý trong giải quyết công việc, không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân, cần quán triệt để có sự hợp tác thành công.
Đặc biệt là phải quản lý cán bộ công chức, chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và DN. Vì vậy, cùng với việc chấn chỉnh, quản lý cán bộ, thì phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, DN trong giải quyết công việc.

"Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của DN Việt Nam là vô cùng to lớn. Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


6 giải pháp để DN chớp lấy thời cơ "vàng" phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng: Sớm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư, xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.