Thursday, 13:05 29/03/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
Kinhtedothi - Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện nhiều bộ ngành T.Ư và 63 tỉnh, TP trên cả nước. 2017 - năm thiên tai với nhiều kỷ lụcNăm 2017 là năm có số lượng cơn bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và ảnh hưởng trên biển Đông. Đây là số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều nhất xảy ra trong một năm từ trước đến nay tại Việt Nam. 2017 cũng là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Điển hình là đợt mưa lớn diện rộng vào giữa tháng 10 tại khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng mưa từ 400 - 600mm, khiến lần đầu tiên Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải xả cùng lúc 8 cửa xả đáy. Mưa lớn cũng làm phát sinh tới 244 sự cố về đê điều.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan các mô hình cảnh báo, ứng phó với thiên tai bên lề hội nghị. |
Tham luận tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: Cần tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp có khả năng thích nghi với thiên tai. Thúc đẩy khoa học công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu với thiên tai. Cùng với đó, phải gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm xây dựng chương trình canh tác bền vững trên vùng đất thích nghi thiên tai. “Phải đến với vùng bão trước khi bão đến, chủ động phòng ngừa, tiến tới xây dựng văn hóa ứng phó trước thiên tai” - ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh tinh thần ứng phó thiên tai. Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, toàn hệ thống chính trị có niềm tin rất lớn và nhờ đó đã có được những giải pháp kịp thời cho vấn đề quan trọng này.
Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần “4 tại chỗ” của các bộ ngành, địa phương, nhất là lực lượng quân đội, công an. Tấm lòng chia sẻ, lá lành đùm lá rách trong thiên tai là rất quan trọng. “Dân tộc Việt Nam trong khó khăn càng đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Đây là hình ảnh nhân văn rất đáng trân trọng, gìn giữ, cần được tiếp tục lan truyền để thấm nhuần vào mỗi người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đề cập tới một số hạn chế trong ứng phó thiên tai, nhất là trong mưa lũ, sạt lở đất. Vẫn còn tâm lý chủ quan trong một bộ phận lãnh đạo các cấp và người dân. Nạn phá rừng, phát triển hạ tầng kinh tế ven biển làm gia tăng nguy cơ mất an toàn PCTT. Việc khai thác quá mức các dòng sông trái phép gây nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Thiết kế, xây dựng công trình chưa đáp ứng yêu cầu PCTT… Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT năm 2018, Thủ tướng đề ra 6 nhiệm vụ chỉ đạo với tinh thần “Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”. Cụ thể: PCTT phải được xem là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị; Quan tâm đầy đủ tới phòng ngừa, lấy phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại là chính, trong đó, phương châm “4 tại chỗ” là yêu cầu quan trọng; Công tác PCTT cần được thực hiện theo phương thức quản lý tổng hợp, đồng bộ theo khu vực, liên vùng, liên ngành; PCTT phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành và các địa phương. Quy hoạch phải biến khó khăn thành cơ hội. Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp cần được xây dựng phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và thực tế tại các địa phương; Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình nhằm thực hiện đa mục tiêu; Thực thi nghiêm túc, có hiệu quả các công ước quốc tế Việt Nam tham gia trong công tác PCTT. Ngoài 6 nhiệm vụ trọng tâm trên, Thủ tướng cũng nêu ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với các vùng miền. Theo đó, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nâng cao năng lực điều hành. Vận dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cảnh báo, ứng phó. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong ứng phó. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng. Truyền thông kịp thời để người dân chủ động ứng phó. Tinh thần là phải có phương án ứng phó thiên tai đối với từng vùng cụ thể, sát với thực tiễn. Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến đề xuất tại hội nghị, tiến tới xây dựng một nghị quyết chuyên đề chỉ đạo cụ thể công tác PCTT.