Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng chia sẻ chiều 5/12, tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 diễn ra trong hai ngày 5 và 6/12 tại Hà Nội.

 Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức.
Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận. Phiên một diễn ra chiều nay với chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng bền vững". Phiên toàn thể diễn ra từ 7h30 ngày 6/12 có chủ đề "Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - Tầm nhìn 2030", với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đây là diễn đàn du lịch quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 1.500 khách mời, chuyên gia, gồm những gương mặt nổi bật trong ngành. Ông Tony Fernandes – Tổng giám đốc AirAsia sẽ có bài tham luận về hạ tầng hàng không - điều cốt lõi để phát triển du lịch. Đại diện tập đoàn tư vấn toàn cầu Boston (BCG) sẽ đóng góp ý kiến để thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam thông qua nâng cao thấu hiểu về khách hàng. Bà Sunita Rajan - Phó Chủ tịch Cấp cao kênh CNN sẽ phát biểu về việc nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch quốc gia.
Ngoài ra, sự kiện còn có các diễn giả: Ông Olivier Muehlstein - Giám đốc điều hành BCG Singapore, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, ông Brent Hill - Giám đốc Marketing, Ủy ban Du lịch Nam Australia..
 Các đại biểu trải nghiệm thực tế ảo tại Diễn đàn.
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân phát biểu khai mạc sự kiện. Ông kỳ vọng, Diễn đàn sẽ trở thành sự kiện thường niên, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến nước ta đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên du lịch vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn như năng suất lao động ngành thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.
Diễn đàn Diễn đàn Cấp cao Du lịch sẽ đưa ra những câu hỏi mở về việc phát triển du lịch bền vững. Làm sao để nâng cao các giá trị của du lịch Việt Nam và tăng trưởng doanh thu. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, các diễn ra sẽ cùng đưa ra những giải pháp để giải quyết các bài toán của ngành du lịch.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho biết, trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
 Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng phát biểu tại Diễn đàn.
Theo ông, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.
Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế., đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.
Ông cũng cho biết, Chính phủ giao thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm. Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...
Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt mục tiêu này, Chính Phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành Du lịch hiện tại... Tuy nhiên việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào.. sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhận định, Diễn đàn sẽ đặt nền móng xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Ông Lê Quang Tùng kỳ vọng tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ nêu ra những ý kiến, đề xuất, giải pháp để ngành du lịch Việt Nam tìm ra hướng đi mới.