Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Ngày 31/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu họp phiên thường kỳ tháng 7/2018 trong hai ngày, thảo luận về công tác xây dựng thể chế và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỉ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.
Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau hai tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ.
 Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6. Tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời có giải pháp điều chỉnh, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực nên cung-cầu ngoại tệ ổn định, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Về đầu tư trong nước, mặc dù tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ về số doanh nghiệp đăng ký mới (khoảng 3,5%) nhưng số vốn đăng ký tăng trên 29%, khiến quy mô vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt trên 10,8 tỷ đồng, cho thấy tiếp tục có sự dịch chuyển về chất đối với các doanh nghiệp.
Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn ở mức tương đối thấp, chiếm khoảng 12,4%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là gần 40.000 doanh nghiệp, tăng 45,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, đã phát hiện ra số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trước đây mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
 Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã tổ chức chu đáo kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhìn nhận, có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%. “Đây là mùa cao điểm, nhất là khách trong nước hết sức nhộn nhịp. Tôi cùng anh Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng có đi dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thì thấy không khí rất tấp nập”, Thủ tướng nói.
Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, trong đó, “chúng ta rất vui mừng, đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic quốc tế đạt kết quả xuất sắc”. Chúng ta đã tiến hành xử lý nghiêm các vụ tiêu cực trong thi cử.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao, dự báo triển vọng tốt của kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, bàn kỹ các giải pháp, đối sách cụ thể. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhất là nông nghiệp, ngay sát Hà Nội cũng ngập úng kéo dài. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu về vấn đề này, nêu rõ các biện pháp, nhất là quản lý hồ đập, công trình thủy lợi.
Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, theo Thủ tướng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra…
Thủ tướng đề nghị tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp xử lý; đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu, báo cáo cụ thể về vấn đề này. “Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”.
Cho rằng sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistic.
Một tồn tại nữa là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai theo lộ trình. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các biện pháp cụ thể và cho rằng, sắp tới đây, Thường trực Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc chuẩn bị tốt cho Hội nghị.
Nêu một số vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp như tiêu thụ nông sản, hiện tượng tạm nhập tái xuất nông sản, vật tư nông nghiệp… Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan phát biểu, nêu giải pháp cụ thể.
Về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển Đại học, cao đẳng năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát biểu về vấn đề này, lưu ý tập trung vào các giải pháp. Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về việc tổ chức kỳ thi này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thảo luận về hàng loạt vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại như giải quyết tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; bán, lấn chiếm đất rừng; chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân; tình hình tai nạn giao thông…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tích cực chuẩn bị tổ chức các hội nghị chuyên đề trong thời gian tới để quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện trên phạm vi quốc gia như doanh nghiệp Nhà nước và quá trình cổ phần hóa, sản xuất, xuất khẩu lâm sản, tình trạng xâm hại trẻ em…