Thủ tướng đánh giá cao thành tựu KT-XH của Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/3, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội năm ...

Kinhtedothi - Sáng 5/3, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực phấn đấu và kết quả đã đạt được của TP Hà Nội những năm qua.

Năm 2014, kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá: Tổng sản phẩm GRDP đạt 8,8%, bằng 1,52 lần mức tăng chung của cả nước; giải quyết việc làm cho hơn 140.000 lao động, đạt kế hoạch đề ra, hỗ trợ 14.500 hộ thoát nghèo, quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,7%, thấp hơn so với mức 6,4% của năm 2013. Thu ngân sách đạt 131,3 nghìn tỷ đồng, bằng 104,03%...
Thủ tướng đánh giá cao thành tựu KT-XH của Hà Nội - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo TP Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với trên 10 đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội trong 5 nhóm vấn đề về: Tài chính ngân sách; hỗ trợ DN; đầu tư phát triển; quy hoạch, đô thị và về tổ chức bộ máy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực phấn đấu và kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong những năm qua. Từ khi Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, TP Hà Nội đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong những năm gần đây do ảnh hưởng của thị trường tài chính, suy thoái toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn đạt được những kết quả toàn diện và có những bước phát triển mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tiềm năng lợi thế và những kết quả đã đạt được của Thủ đô để làm tốt hơn nữa, đồng thời khắc phục những tồn tại, những hạn chế, yếu kém. “Để phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn nữa, trước mắt là thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu của Hà Nội đề ra cho năm 2015, gắn với thực hiện tốt Đại hội Đảng bộ các cấp của Hà Nội; tạo tiền đề để thực hiện tốt kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đưa Thủ đô có một hướng phát triển mới trong 5 năm tới, xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ...; có nhiều mô hình tốt, việc làm tốt, để không chỉ giúp Thủ đô mà góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến trên cả nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng mong muốn, Hà Nội tiếp tục phát thu tối đa nội lực của mình bao gồm cả về vật chất lẫn tinh thần và cả những tiềm năng của mình với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Đồng thời với đó là ra sức cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường sống…

Đối với nguyên tắc chung về cơ chế đặc thù, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đó là có đề cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong xây dựng Thủ đô. Và phân cấp, ủy quyền ở những lĩnh vực mà pháp luật cho phép để Hà Nội phát huy tính năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị sau buổi làm việc sẽ ban hành 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi ban hành, đề nghị đưa Quyết định này ra phiên họp Chính phủ thường kỳ xin ý kiến.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020; về cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đồng ý với chủ trương để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị (đã được Chính phủ cho phép thành lập); đồng ý thực hiện chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; đồng ý với đề xuất tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính của TP Hà Nội tại khu đất Đông Nam Trần Duy Hưng; đồng ý với đề xuất của Hà Nội về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về du lịch…

Tiếp thu những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị mong muốn, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành tăng cường phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm cho TP Hà Nội hơn nữa; tạo điều kiện cho Thành phố giải quyết kịp thời các tác động xấu và các khó khăn, vướng mắc. “Những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị hôm nay là nguồn động viên to lớn, đồng thời là chỉ đạo quan trọng, cụ thể, giao nhiệm vụ cho TP Hà Nội để thực hiện tốt hơn những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2015 và những năm tiếp theo” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định.