Thủ tướng đối thoại với hơn 1.000 doanh nhân, chuyên gia kinh tế

D. Tùng - Phạm Hùng - Bảo Ngân - K. Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 diễn ra với sự có mặt của hơn 1.000 doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã tham dự.

Diễn đàn năm nay có chủ đề "Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5". Diễn đàn sẽ tập trung bàn thảo và đối thoại giữa Chính phủ và khu vực tư nhân với 3 ngành mũi nhọn là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số. Ngoài ra, vấn đề thuận lợi hóa thương mại cũng sẽ được đưa ra thảo luận và được xem là lĩnh vực nền tảng, có tác động mạnh mẽ đến sự vận động, tăng trưởng và phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế. 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (bên trái) tại diễn đàn. (Ảnh: Phạm Hùng)
Sau Diễn đàn VPSF 2017, VPSF và Hội Doanh nhân trẻ sẽ công bố Sách trắng Diễn đàn VPSF 2017 với các tuyên bố chung của Diễn đàn, của 10 nhóm công tác VPSF và đặc biệt là Bộ chỉ số khảo sát niềm tin doanh nhân. Đây là kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 6 theo từng ngành, lĩnh vực.
Hiện kinh tế tư nhân đang có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách, tạo việc làm đến góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỉ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao.
 Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 diễn ra với sự có mặt của hơn 1.000 doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. 
VPSF là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và Chính phủ Australia thiết lập). VPSF được hình thành năm 2016 với 10 nhóm công tác, bao quát đủ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
VPSF có sứ mệnh và tầm nhìn là cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân để tham vấn, đối thoại chính sách công - tư liên tục và chặt chẽ, trên cơ sở tập hợp và phản ánh những tiếng nói từ cấp cơ sở, vì mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời ông Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Jim Yong Kim năm 2014 nói rằng, Việt Nam đang nắm giữ tương lai tươi sáng nhờ vào đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, người dân cũng như vị trí địa lý. Nếu phát huy đầy đủ khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân thì thành công sẽ nối tiếp thành công.

Thủ tướng bày tỏ: “Tôi có cùng nhìn nhận với vị Chủ tịch này. Chúng ta sẽ nhìn nhận tương lai của Việt Nam. Quyết tâm chính trị và quan điểm kì vọng của nước ta về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết”.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung  tham dự diễn đàn

Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân sẽ là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua khi nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế nói chung”. Hãy xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng. Mục tiêu lớn của Chính phủ hiện nay là hành động để đưa kinh tế tư nhân thành một động lực cho nền kinh tế.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, trên cả nước có hàng trăm cuộc xúc tiến đầu tư và các sự kiện đối thoại với doanh nghiệp; các buổi làm việc với chuyên đề chủ đề công nghiệp công nghệ cao, du lịch. Không có ngày nào Chính phủ và thủ tướng chính phủ không làm việc với doanh nghiệp về vấn đề doanh nghiệp. 

Từ đó, hàng loạt cải cách thể chế, chính sách được ban hành, nhiều tồn đọng, vướng mắc được xử lý như vấn đề về thuế, nợ xấu, ngân hàng yếu kém, tránh việc thanh tra kiểm tra... môi trường đầu tư, kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp đã có những hướng cải thiện rõ nét.

Thủ tướng dẫn nghiên cứu của công ty tư vấn McKenzi với mỗi một đơn vị vốn bổ sung vào đầu tư kinh doanh thì lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân lớn gấp 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước. Chìa khoá tăng tưởng của Việt Nam nằm chủ yếu ở doanh nghiệp tư nhân. 

Nguyên tắc chung mà Chính phủ đưa ra là lĩnh vực nào mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt thì nên tạo điều kiện để tư nhân làm, giúp họ chủ động sáng tạo trong phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế. Đấy là con đường đúng đắn để thực hiện dịch cơ cấu nền kinh tế.

Thủ tướng nói: “Câu đại văn hào Mark Twain từng nói, 20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây và nhổ neo ra khơi để đến bến an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm, mơ mộng, khám phá”.

Trước đó, để chuẩn bị cho Diễn đàn Phiên toàn thể, trong suốt một năm qua, gần 100 hội thảo, cuộc họp cấp cơ sở giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và các chuyên gia và trên 20 cuộc họp giữa doanh nghiệp và đại diện các Bộ, ngành đã được các Nhóm công tác và Ban thư ký Diễn đàn triển khai.

Theo ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn VPSF 2017: Đây là lần thứ hai Diễn đàn kinh tế tư nhân được tổ chức, và lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng, ngay sau khi Trung ương Đảng có Nghị quyết 05 nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. “Cần phải có những cam kết, mối liên kết và những chương trình hành động cụ thể hơn nữa Dvà iễn đàn lần này sẽ chia sẻ và trao đổi về các chương trình hành động cụ thể của các DN tư nhân sau khi Nghị quyết 05 ra đời” – vị này nói.

Đại diện Dự án MBI, đơn vị đồng sáng lập Diễn đàn VPSF, ông Dominic Mellor – Giám đốc Dự án MBI, chuyên gia kinh tế Ngân hàng ADB bày tỏ: Tôi nghĩ, để hoạt động đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp có hiệu quả thì cần có câu chuyện về việc thực thi chính sách chỗ nào chưa hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn tổ chức Diễn đàn để xây dựng và thúc đẩy hoạt động đối thoại và hy vọng diễn đàn sẽ là kênh đối thoại không chỉ trong một vài năm tới mà sẽ tồn tại mãi mãi…”.

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn VPSF 2017, lần đầu tiên VPSF – Hội DNT Việt Nam triển khai và công bố Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân – CEO.CI, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Kết quả chỉ số CEO.CI sẽ là một trong các căn cứ quan trọng của đối thoại công - tư tại VPSF 2017 cũng như là căn cứ cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách Trắng VPSF 2017 ra mắt cuối năm nay...