Thủ tướng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo BaoChinhphu
Chia sẻ Zalo

Sáng 24/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ.

Do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức, diễn đàn nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım từ ngày 22-24/8.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy cách xa nhau về địa lý, khác biệt về văn hóa và lịch sử, nhưng hai nước có nhiều nét tương đồng. Thổ Nhĩ Kỳ là cây cầu nối giữa hai lục địa Á-Âu, Việt Nam là cửa ngõ hàng hải tiến vào khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Nền kinh tế của cả hai nước đang phát triển nhanh chóng và cùng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 2 tỷ USD trong năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng nhanh, hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD trong năm 2020, theo hướng cân bằng hơn. Hiện có 13 dự án của doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 730 triệu USD. Việt Nam hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế trùng và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, theo Phó Thủ tướng, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Việt Nam coi hợp tác thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng để phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Ngoài trao đổi thương mại hàng hoá, hai bên còn nhiều cơ hội để phát triển hợp tác trong các lĩnh vực có thể bổ sung lẫn nhau như công nghiệp, đầu tư, nông nghiệp, văn hoá, du lịch, giáo dục, khai khoáng, dầu khí, hàng hải, kinh tế biển công nghiệp phụ trợ, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực và nhiều lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong việc triển khai, hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

“Chúng tôi kỳ vọng ở sự nhiệt tình, quyết đoán và sự sáng tạo của các bạn”, Phó Thủ tướng bày tỏ và khẳng định: “Ở Việt Nam các bạn chắc chắn sẽ cảm thấy như đang ở nhà mình, đất nước mình”.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thực sự trở thành đối tác tin cậy được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới coi trọng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của Việt Nam tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua, đạt hơn 350 tỷ USD trong năm 2016 và hướng tới mốc 400 tỷ USD trong năm 2017.

Tính đến hết năm 2016, có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 22.500 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 300 tỷ USD. Riêng năm 2016, Việt Nam thu hút gần 25 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội tiếp cập với thị trường trên 90 triệu dân, đa phần là trẻ và có thu nhập đang tăng theo thời gian; sẽ có cơ hội từ Việt Nam tiếp cận thị trường hơn 650 triệu dân của ASEAN với tổng lượng GDP 2.500 tỷ USD, đứng thứ 6 trên thế giới, cũng như với hàng chục quốc gia khác mà Việt Nam đã và sẽ có quan hệ thương mại tự do.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım nhất trí cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Hai bên cùng mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác sang lĩnh vực kinh tế, thương mại, một lĩnh vực rất cần sự tiên phong của lực lượng doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh toàn diện hơn thì hành lang pháp lý phải thông thoáng hơn.

Trong quá trình đó, Chính phủ hai nước sẽ nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, xóa bỏ các rào cản, mở ra con đường rộng hơn cho các doanh nghiệp. Hai bên cần có một hiệp định thương mại tự do, từ đó sẽ mở ra những cơ hội to lớn hơn cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng Binali Yıldırım cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của ông mang tính lịch sử, mở ra chương mới cho quan hệ hai nước. Ông đã đưa đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ cùng đi sang Việt Nam, điều đó thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

“Đối với doanh nghiệp, nếu chúng ta tin tưởng lẫn nhau, chúng ta hiểu nhau hơn thì chúng ta sẽ có những quan hệ hợp tác hiệu quả hơn”, Thủ tướng Binali Yıldırım nói. “Chắc chắn đầu tư vào hai nước sẽ phát triển nhanh hơn”. Ông tin tưởng hai nước còn nhiều dư địa phát triển quan hệ kinh tế, thương mại khi tổng dân số của cả hai nước đến hơn 170 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn 2.000 tỷ USD. Do đó, con số kim ngạch thương mại hai chiều hiện đạt 2 tỷ USD vẫn dưới tiềm năng rất xa.

Thủ tướng Binali Yıldırım cho biết, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam với mong muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, những lĩnh vực mà doanh nghiệp có kinh nghiệm.

“Nhân dịp này, chúng tôi muốn mời các nhà đầu tư Việt Nam đến đất nước của chúng tôi để khai thác các cơ hội đầu tư”, Thủ tướng Binali Yıldırım bày tỏ. “Chúng tôi quyết tâm sẽ làm tất cả mọi điều trong khả năng của mình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề gây trở ngại đối với hoạt động của doanh nghiệp”.

Tại diễn đàn, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai bên đều khẳng định, quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Doanh nghiệp hai nước có thể làm được các câu chuyện thành công trong đầu tư vào nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần