Thủ tướng dự hội nghị Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam".

Cùng dự có các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành cùng đại diện bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Về phía đối tác quốc tế, có hơn 50 đại biểu là đại diện cấp cao của các thành viên IDIA; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, một số tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, Đại sứ quán và các cơ quan liên quan của Australia và một số nước khác.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Liên minh Đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) đồng tổ chức.
Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam- gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (từ các nhà tài trợ đa phương (WB, UNDP) đến các nhà tài trợ song phương quan trọng (như Tổ chức viện trợ Australia, USAID,Tổ chức viện trợ Vương quốc Anh... ) cũng như các tổ chức tư nhân lớn (như Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates).
Theo Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, KH&CN có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm.
Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
 Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc.
Những năm qua, sự đóng góp của khoa học công nghệ thể hiện trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp... Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc khó khăn; có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành; tăng cường đầu tư...
Tại hội nghị, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, Data61 và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP đưa ra những tham luận chia sẻ về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cuộc cách mạng 4.0.
Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia tại Hội nghị là những thông tin quý báu, hữu ích, đóng góp cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
Hội nghị nằm trong tuần lễ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra từ 13 - 17/5 do Bộ KH&CN tổ chức.