Thủ tướng: Bắt tay hành động, tìm tiếng nói chung để tăng năng suất lao động

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/4, tại Cung thể thao Tiên Sơn (TP Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đây là Tết Lao động đầu tiên được tổ chức tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) các tỉnh, TP khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, sau cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với CNVCLĐ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dịp 30/4/2016. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4), 131 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5) và Tháng công nhân năm 2017 với chủ đề “CNLĐ đồng hành cùng DN, tăng năng suất lao động (NSLĐ) và phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP Đà Nẵng và Báo Lao Động tổ chức.

Thủ tướng trực tiếp trả lời các câu hỏi, giải đáp những băn khoăn của công nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trước 2.000 CNLĐ, Thủ tướng bày tỏ niềm vui vì được gặp gỡ các anh chị em công nhân các tỉnh miền Trung - những người trưởng thành từ vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng luôn có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
"Tôi mong muốn được trao đổi với công nhân vì các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, của tiến công vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước”, Thủ tướng nói và khẳng định: Giai đoạn phát triển mới của đất nước yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục sẽ có những chính sách đúng đắn, hiệu quả phát triển mạnh DN tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân... Phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phát triển rất nhanh chóng là thách thức lớn, nhưng sẽ là cơ hội nếu chúng ta chủ động và đồng tâm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng DN cũng như của cả nền kinh tế.

“Tôi tin tưởng giai cấp công nhân Việt Nam luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, luôn nhanh chóng thích ứng với mọi sự thay đổi. Tôi mong các DN không chỉ tìm thấy NLĐ là nguồn nhân lực mà còn nhận rõ những giá trị cao quý hơn, một khi có nhận thức đúng, phát huy đầy đủ phẩm chất công nhân Việt Nam. Hy vọng từ cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ có tiếng nói chung về tăng năng suất lao động. Chính phủ khuyết khích tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ủng hộ phát triển các DN hiện đại về công nghệ, quản trị và chính sách nhân lực, và cũng mong muốn mỗi NLĐ tự nỗ lực không ngừng, rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, DN và đất nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng: Một cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng với công nhân, ngoài tình cảm dành cho nhau, thì điều lớn hơn là để cùng đóng góp ý, trình bày nguyện vọng, đưa ra cam kết, để đi đến những hành động cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ và cho DN.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghiêm túc kiểm điểm, sau cuộc gặp năm trước, cả nước đã làm được những việc gì cụ thể để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của CNLĐ. Về phía Chính phủ, Thủ tướng cho biết đã đồng ý với kiến nghị của Tổng LĐLĐ về hỗ trợ triển khai đề án xây dựng thiết chế công đoàn các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (KCN, KCX), gồm nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý. Trong năm 2016 - 2017, phải xây dựng được 50 thiết chế phục vụ CNLĐ tại 15 KCX, KCN trọng điểm. “Tôi đã đồng ý, Tổng LĐLĐ cùng với các bộ ngành, địa phương phải phối hợp thực hiện thật tốt”, Thủ tướng yêu cầu.

“Các địa phương đã phối hợp với các tập đoàn, DN để giải quyết chỗ ở cho công nhân chưa, đến nay có thêm được bao nhiêu nhà ở xã hội hoặc nhà cho thuê, bao nhiêu nhà trẻ cho con công nhân? Tôi rất đau lòng khi đọc những tin trẻ em bị bạo hành trong những nhà giữ trẻ tự phát, còn những trường hợp như vậy, có nghĩa là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với NLĐ. Sức khỏe của công nhân là tài sản của DN, trong năm qua, tiêu chuẩn bữa ăn của công nhân tại các nhà máy được cải thiện chưa, cải thiện như thế nào, DN đã tăng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm chi phí cho một suất ăn? Mâm cơm công nhân có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì mới bảo đảm sức khỏe, tình trạng ngộ độc thực phẩm có được hạn chế trong năm qua hay không? Bữa ăn của công nhân không chỉ là bảo vệ sức khỏe của một thế hệ mà liên quan đến sức khỏe giống nòi. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, của DN phải rõ, phải chân thành trả lời trước NLĐ. Nếu như kiểm soát ATTP chưa tốt, để cho công nhân bị ngộ độc, chính quyền và DN phải chịu trách nhiệm. Ở đâu có nhà máy gây ô nhiễm, lãnh đạo địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị báo chí, người dân, công nhân mạnh mẽ chỉ ra, tôi cam kết sẽ xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thăm hỏi các công nhân tham dự cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: "Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi đã phát ngôn rằng, phải xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Đối với cộng đồng DN, Chính phủ kiến tạo là có những chính sách đúng đắn, hiệu quả để hỗ trợ DN phát triển. DN thành công thì NLĐ mới có được việc làm ổn định và thu nhập cao. Một vấn đề đã đặt ra lâu nay, DN sản xuất kinh doanh hiệu quả thì đòi hỏi NSLĐ phải cao. Đây chính là sự đồng hành mang tính căn bản nhất của NLĐ và DN. Để nâng cao tay nghề và năng suất lao động cho công nhân nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm trong nước, trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, tiếp đến là trách nhiệm của cộng đồng DN. Chính phủ phải hoạch định chính sách tầm chiến lược quốc gia, DN phải năng động, sáng tạo trong việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân. Nhưng về phía công nhân, mỗi người cũng phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc. Từng cá nhân phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình mình trước, sau đó mới có thể đóng góp cho xã hội”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tại buổi gặp gỡ này, các anh chị em công nhân nên mạnh dạn trình bày nguyện vọng của mình, đại diện các bộ ngành, địa phương và DN thẳng thắn đề xuất ý kiến, chúng ta cùng trao đổi và đưa ra cam kết và bắt tay hành động".

Tại buổi gặp mặt, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã kêu gọi CNLĐ không ngừng phấn đấu, tự giác học tập nâng cao trình độ; phát huy sáng kiến, sáng tạo; rèn luyện tác phong công nghiệp, làm việc với kỷ luật cao, năng suất, chất lượng tốt; gắn bó với DN và tự hào về sản phẩm do mình tạo ra. Cán bộ công đoàn cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, phục vụ công nhân, NLĐ.

"Tôi mong thời gian tới tiếp tục đón nhận sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư và các địa phương để Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới, hoàn thiện trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức của NLĐ, cho NLĐ và vì NLĐ", ông Bùi Văn Cường nói.

Ngay tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tặng 20 căn nhà "Mái ấm công đoàn" trị giá 1 tỷ đồng cho 20 công nhân xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. UBND TP Đà Nẵng cũng tặng 10 “Mái ấm công đoàn”, tương đương 500 triệu đồng để hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.