Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng nhấn mạnh đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các thành phố lớn, nơi có dịch và cứ thể mở rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới. Các địa phương phải vận động cũng như có hình thức cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp.

 Quang cảnh phiên họp
Hà Nội xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng
Sáng nay (7/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống COVID-19.
Dự họp có lãnh đạo các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin, sáng 7/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với Sars-CoV-2. Đó là bệnh nhân N.T.D, 30 tuổi tại Phúc Thọ.
Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 24 đến ngày 27/7, bệnh nhân có đi Đà Nẵng cùng gia đình; ngày 4/8 có sốt nhẹ và xét nghiệm cho kết quả dương tính. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội có 4 ca dương tính và 4 ca này đều gắn liền với yếu tố Đà Nẵng.
Phân tích diễn biến của dịch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, ý thức chủ động phòng, chống dịch của người dân, như tự giác cách ly, đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn giữa người với người…, là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Vì thế, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, từ hôm nay, Hà Nội tiến hành xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Thành phố cũng đề xuất với Thủ tướng có thể nâng lên một mức cảnh báo cao hơn, nguy cơ cao hơn đối với Hà Nội.
 , Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại điểm cầu Hà Nội
Trước mắt, thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa điểm thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch; bố trí nước sát khuẩn, tổ chức đo thân nhiệt; người dân phải đeo khẩu trang… “Hà Nội quyết tâm ngăn chặn, cố gắng không để dịch Covid-19 lây lan rộng”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
Xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, dịch COVID-19 lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì không thể mất cảnh giác, chủ quan.
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
“Hình ảnh bác sỹ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này”, Thủ tướng chia sẻ.
Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của của hệ thống chính trị với biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn, nhất là trong ít nhất hai tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm.
“Chúng ta kiên trì giãn cách xã hội ở ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời”, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của mình, có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Cần quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, tinh thần huy động tổng lực, phối kết hợp tốt, nhuần nhuyễn các lực lượng chống dịch, một tinh thần là quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất.
Các cơ sở y tế, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các bệnh viện. Khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả những nơi được coi là ổ dịch. Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan.
Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này. Nếu test nhanh mà không chính xác thì phải xét nghiệm PCR, đi liền đó là chống lãng phí, làm theo nhóm…
 Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp
Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng. Không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, “không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý vấn đề này”. Quán triệt tinh thần “4 tại chỗ”, theo đúng Điều 22 của Luật Đấu thầu.
Thủ tướng nhấn mạnh đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các thành phố lớn, nơi có dịch và cứ thể mở rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới. Các địa phương phải vận động cũng như có hình thức cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp.
Thủ tướng hoan nghênh TPHCM và Hà Nội xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với cá nhân không sử dụng khẩu trang ở nơi đông người. Tăng cường sản xuất máy thở và khẩu trang y tế cho các tỉnh, thành phố trọng điểm cũng là yêu cầu hiện nay. Sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến tại những địa phương cần thiết như Đà Nẵng, Quảng Nam, các thành phố có thể đông người lây nhiễm.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác, xem xét tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến dịch, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Thủ tướng lưu ý, không để đình trệ công việc, đặc biệt công việc có thời hạn, những hợp đồng xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục của tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, lưu ý chủ động các biện pháp phòng dịch, “tinh thần là an toàn mới thi, bảo vệ cả thí sinh, thầy cô và phụ huynh”. Xử lý nghiêm nhóm đối tượng hàng gian, hàng giả, nhất là thiết bị, vật tư, khẩu trang y tế…