Thủ tướng Hungary tiếp tục đấu tranh với hạn ngạch nhập cư

Hà Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Hungary sẽ tiếp tục theo đổi vấn đề chính sách hạn ngạch về nhập cư với Liên minh châu Âu (EU).

 Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Mới đây, Quốc hội Hungary bác bỏ đề xuất của Chính phủ về sửa đổi Hiến pháp nhằm từ chối tiếp nhận người nhập cư và tị nạn theo hạn ngạch bắt buộc do EU đặt ra. “Chúng tôi đã cố đưa điều này vào Hiến pháp nhưng không thể đạt được mục đích vì phe đối lập đứng về phía Brussels (EU)”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói. Vì vậy, chính phủ sẽ chống lại việc áp đặt hạn ngạch người nhập cư của EU thông qua hiến pháp hiện hành.

Theo Thủ tướng Viktor Orban, ông không thể trông cậy vào các đảng đối lập ở Hungary để sửa đổi hiến pháp trong một nỗ lực giải quyết vấn đề người tị nạn. Tuy nhiên, ông sẽ “tiếp tục cuộc đấu tranh” với EU trong vấn đề này tới cùng.

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Hungary trước truyền thông nước này. Được biết, ông Orban cũng sẽ kêu gọi Brussels đứng ra giải quyết vấn đề này. Các nước thành viên EU đã cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn với hàng trăm nghìn người di cư không có giấy tờ hợp pháp. Bởi, đa số những người đều chạy trốn khỏi đất nước ở Trung Đông và Bắc Phi bao gồm Syria để thoát khỏi cảnh bạo lực, nghèo đói.

Theo đó, EU đã thông qua một chính sách về hạn ngạch dự kiến đưa khoảng 160.000 người tị nạn phân đều về các nước trong khối vào tháng 9/2015. Tuy nhiên, hệ thống hạn ngạch này đã không nhận được sự hoan nghênh nhất trí của các thành viên trong khối, đồng thời phải đối mặt với sự chỉ trích của một số quốc giá trong khối EU. Trong đó, bao gồm Slovakia, Ba Lan, và Hungary là quốc gia phản đối gay gắt nhất. Theo kế hoạch, Hungary sẽ phải tiếp nhận 1.294 người nhập cư. Tháng 12/2015, chính phủ Hungary đã nộp đơn kiện EU vì kế hoạch phân bổ người tị nạn nói trên.

Vào ngày 2/10 vừa qua, Hungary đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách hạn ngạch cho người di cư của EU, song cuộc bỏ phiếu đã thất bại do chỉ có 45% cử tri đi bầu. Tuy nhiên, có tới 95% số cử tri đi bầu đều phản đối chính sách hạn ngạch của EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần