Thủ tướng: Nghiên cứu kéo dài thời gian, giảm lãi suất cho vay phát triển nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã có bài phát biểu định hướng rất quan trọng.

Thủ tướng: Nghiên cứu kéo dài thời gian, giảm lãi suất cho vay phát triển nông nghiệp - Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hội nghị đặc biệt quan trọng vì có liên quan trực tiếp đến đời sống của một bộ phận lớn người nông dân. Hội nghị cũng là giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, thành quả của nông nghiệp Việt Nam đạt được những năm qua là rất đáng mừng. Từ một thời thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, trong đó có hàng chục sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao trị giá hàng tỷ USD.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận, nền nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị bộ, ngành, các địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp; đồng thời tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế nắm bắt thời cơ mới để phát triển.
Đối với phát triển nông nghiệp hàng hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế biến, bảo quản là khâu rất quan trọng để có thể cụ thể hóa mục tiêu đưa nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, từ đó giảm tình trạng được mùa mất giá, phải giải cứu.

Thủ tướng: Nghiên cứu kéo dài thời gian, giảm lãi suất cho vay phát triển nông nghiệp - Ảnh 2

Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Một trong những giải pháp được Thủ tướng đề cập tới nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản là chính sách tín dụng. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xem xét việc kéo dài thời gian cho vay và giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, muốn cạnh tranh với nông sản thế giới, Việt Nam cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí giao thông, logistics cho lưu thông hàng hóa, nông sản. “Một quả xoài xuất đi nước ngoài phải mất 5% chi phí logistics là quá cao” - Thủ tướng lấy dẫn chứng cụ thể.
Thủ tướng cũng cho rằng, quy hoạch vùng nguyên liệu là rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến. Để hỗ trợ cho mục tiêu trên, Thủ tướng cho biết, sắp tới sẽ trình Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết liên quan đến thực hiện Luật đất đai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ ruộng đất. Đây cũng là cái khó được nhiều doanh nghiệp đề cập tới tại Hội nghị.
Đối với tầm nhìn 2030 của Bộ NN&PTNT là đưa Việt Nam lọt top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến nông sản, Thủ tướng đề nghị trên cơ sở tầm nhìn, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng để tổ chức triển khai. Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nghị định, cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.