Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất nước cần một lớp nông dân đổi mới

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/12, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản” đã được tổ chức. Đây là lần thứ hai, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân.

Hội nghị có sự tham gia của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, các DN và đặc biệt là đông đảo nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ đến từ nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với nông dân tham gia Hội nghị. Ảnh: Dân Việt.
Theo Ban tổ chức, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lắng nghe nhiều ý kiến của nông dân cả nước. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các địa phương đã trực tiếp giải đáp nhiều băn khoăn của người nông dân trong thực tiễn phát triển sản xuất.
Đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, bởi “nếu không có khát vọng, sẽ không thể có được thành công”.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của nông dân. Ảnh: Dân Việt.
Thủ tướng cũng nhìn nhận qua Hội nghị, còn nhiều bất cập tồn tại trong phát triển nông nghiệp. Liên kết 6 nhà còn nhiều trở ngại. Đặc biệt, các vấn đề môi trường, dịch bệnh, tích tụ đất đai vẫn là nỗi băn khoăn lớn, được bà con rất quan tâm.
Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành cần có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Cung cấp đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến thị trường, tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu nông sản. Tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, nhất là vay vốn.
Khởi nghiệp cho nông dân cũng là một vấn đề rất lớn, được Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp.
Các địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm.
“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác, nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh. Tại đây chúng ta kêu gọi đất nước cần một lớp nông dân đổi mới” – người đứng đầu Chính phủ nói, đồng thời cho rằng, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ, thị trường, bởi đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho nông dân tiêu biểu. Ảnh: Dân Việt.
Liên quan tới vấn đề phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quan điểm của Đảng, Chính phủ đối với phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội của vùng.
Chính vì vậy, Thủ tướng cho rằng, phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị cao. Bên cạnh đó, phát triển tuân thủ quy luật tự nhiên trên tinh thần thuận thiên; xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai.