Thủ tướng: Doanh nghiệp có thể chỉ rõ bộ, ngành nào gây cản trở

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chính phủ hiểu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói với các đại diện của cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp tại Hội nghị “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” diễn ra sáng nay (23/12).

Chính phủ sẽ đóng vai trò kiến tạo
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp mạnh dạn nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc về các vấn đề: Quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, công nghệ, lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, xử lý nước thải.
“Doanh nghiệp có thể thẳng thắn nêu khó khăn về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kèo dài; cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi có ý kiến trái chiều, phản biện chính sách” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị 
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp chỉ rõ bộ, ngành nào có văn bản bất hợp lý, gây cản trở, không phù hợp môi trường kinh doanh. Cơ quan nào, địa phương nào gây nhũng nhiễu phiền hà… Ông mong doanh nghiệp đóng góp các giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt có thể phản ánh kết quả của các cuộc gặp gỡ trước đây đã khá hơn hay không?
Trước những thách thức, khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy giảm, chiến tranh thương mại, rào cản ở các hiệp định thương mại, thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0, người đứng đầu Chính phủ mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua thách thức.
Mong muốn từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay. Chẳng hạn, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động cũng cao; còn thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế…
“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.
Đứng trước thực tế này, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 giải pháp để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.
Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất - kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong…
“Các giải pháp cần bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài, huy động được sự tham gia của tất cả các bên liên quan, các cơ quan của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.