Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong số những vấn đề trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ngày 31/12.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, đất nước đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.

Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế nước ta đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, dù trong thời kỳ nào, ngành KH&ĐT luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được giao.

Từ đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày hôm nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các cá nhân, tập thể được khen thưởng

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, với bản lĩnh, trí tuệ và sự đổi mới không ngừng nghỉ của mình, hơn lúc nào hết đã ngày càng khẳng định được vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.

Ngành KH&ĐT và thống kê đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển. Đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế vững tin tiến về phía trước, nhất là Chiến lược quốc gia về cuộc CM 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia...

Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 năm 2020, Bộ KH&ĐT đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm, đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả các quyết sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì tăng trưởng nền kinh tế.

Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, đạt trên 2,91%...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những thành tựu toàn diện của đất nước trong gần 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành KH&ĐT, trực tiếp là Bộ KH&ĐT, cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp của Đảng, Nhà nước.

Với những thành tựu to lớn đạt được, ngành KH&ĐT đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác qua các năm, xứng đáng với vai trò thuyền trưởng dẫn dắt con tàu kinh tế ra khơi thuận lợi và thành công.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 9 thách thức chủ yếu đối với sự phát triển đất nước, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị mà Việt Nam phải đối đầu.

Đó là, bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu; CM 4.0 tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu; thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.

Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&ĐT phải nhận diện những thách thức này để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước năm 2025, 2030 và đặc biệt là phải có tầm nhìn đến năm 2045 với việc định vị rõ chức năng, vai trò. 

Đồng thời nêu một số nhiệm vụ cụ thể với ngành: "Chúng ta từng nói thể chế, thể chế và thể chế là yếu tố quyết định với sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Bộ KH&ĐT tham mưu như thế nào để thế chế pháp luật, chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới. Thứ hai, làm sao để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa của kinh tế đất nước; làm sao biến tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới vô tận cho sự phát triển bền vững. Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, thậm chí cả bẫy rác thải công nghiệp. Thứ tư làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa."

Bộ phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương khác. Thủ tướng yêu cầu, với tư cách là bộ “tổng tham mưu”, Bộ KH&ĐT phải hiến kế để đạt được sự bứt phá các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây phải đặt ra.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao các danh hiệu cao quý cho các cán bộ, tập thể, đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần