Báo Kinh tế & Đô thị đạt Giải B Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thủy Tiên - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 15/8, 35 tác phẩm tiêu biểu đã được vinh danh tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 do Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đến dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. 
Tính đến hết ngày 21/06/2019, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở T.Ư và địa phương. Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích. Trong đó, tuyến bài “Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn” của nhóm tác giả: Thái San, Phương Nguyên, Hồng Thái - Báo Kinh tế và Đô thị đạt giải B ở thể loại Báo in; Tác phẩm “Người cựu chiến binh trên mặt trận chống tiêu cực” của tác giả Nguyễn Phúc Thành của Đài PT-TH Hà Nội đạt giải B.
Các tác phẩm tham gia dự Giải lần này sát với chủ đề, có chất lượng nghiệp vụ tốt, thông tin sắc bén, trung thực, được đầu tư công phu, thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần dấn thân của nhà báo và theo đúng tiêu chí của Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Mỗi tác giả đều quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc.
 Các tác giả, tác phẩm đạt giải B.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chính thức phát động “Giải Báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 3. Đồng thời mong rằng, đội ngũ các nhà báo, các cộng tác viên trong cả nước tiếp tục hưởng ứng tham gia để nâng tầm quy mô và chất lượng của Giải báo chí có ý nghĩa quan trọng này, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của đã vinh dự được tôn vinh tại Lễ trao giải cũng như những người làm báo trong cả nước có những tác phẩm báo chí, góp phần thiết thực thể hiện và hưởng ứng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam và báo chí cả nước tiếp tục thực hiện tốt việc quán triệt và tham gia tích cực triển khai thực hiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp PCTNLP của Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ với Hội nhà báo, các cơ quan báo chí. Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của báo chí, coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phát hiện những sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền.
Bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt” xảy ra, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí trong việc đưa tin.
Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của người làm báo; nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu tranh PCTNLP; bảo vệ nhà báo và người tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có nhiều hình thức khích lệ, động viên, cổ vũ, tôn vinh các nhà báo có nhiều tác phẩm tốt, có hiệu quả xã hội tích cực, góp phần vào công cuộc đấu tranh PCTNLP.

Tác phẩm “Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn” của nhóm tác giả: Thái San, Phương Nguyên, Hồng Thái - Báo Kinh tế&Đô thị đã vinh dự đạt giải B ở thể loại báo in.

Tuyến bài gồm: Bài 1: Nhiều sai phạm cần sớm xử lý nghiêm (25/3/2019); Bài 2: Không có ngoại lệ cho vi phạm  (25/3/2019); Bài 3: Sai phạm phải xử lý triệt để (26/3/2019); Bài 4: Không thỏa hiệp với vi phạm đất đai (30/3/2019).

 

Tuyến bài được thực hiện khi Hà Nội vào cuộc thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết xung quanh những vi phạm tại địa phương này. Mức độ vi phạm về quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn vô cùng nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả các trường hợp vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, Việt Phủ Thành Chương được dư luận đặc biệt quan tâm.

 

Thanh tra TP Hà Nội đã có những động thái quyết liệt, đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP nhằm xử lý nghiêm theo quy định. Qua loạt bài viết cho thấy, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng vi phạm đất đai tại huyện Sóc Sơn nói riêng và nước ta nói chung trong những năm qua bên cạnh sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, địa phương thì một phần là do luật pháp còn có những kẽ hở. Các quy định pháp luật về đất đai hiện còn tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo; từ đó tạo điều kiện lợi dụng làm thất thoát đất đai, phát sinh tình trạng tham nhũng và xảy ra nhiều khiếu kiện.

Những công việc sau thanh tra sẽ được triển khai theo quy định của pháp luật. Điều mà dư luận, Nhân dân quan tâm hiện nay là việc thực thi nghiêm túc, nhanh chóng, đầy đủ kết luận thanh tra để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, củng cố niềm tin cho Nhân dân. Không thiên vị bất cứ ai, không có ngoại lệ cho vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần