Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thị trường chứng khoán là “phong vũ biểu" của nền kinh tế

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và đánh cồng tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HOSE (20/7/2000 - 20/7/2020).

Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kiện kỷ niệm 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đất nước đang tập trung toàn lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh
Thủ tướng nêu rõ, thị trường chứng khoán là “phong vũ biểu" của nền kinh tế; là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Vì vậy, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán được xác định là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình đổi mới và hội nhập.
Thủ tướng nhận xét, 20 năm qua đã minh chứng một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giai đoạn phát triển “bình thường mới” của đất nước, với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu nặng nề nhất từ sau Đại suy thoái 1929 - 1933. Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công dịch bệnh.
Vì vậy, theo Thủ tướng cần tận dụng hiệu quả cơ hội “có một không hai” này để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước và các luồng luân chuyển vốn trong khu vực, toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tài chính rất lớn cho đầu tư phát triển, cả trước mắt và lâu dài.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, qua 20 năm phát triển, từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu (SAM, REE), đến nay, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán đã lên tới 1.647 công ty, với giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch 1.428.000 tỷ đồng. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 30/6/2020 đạt 3.894.000 tỷ đồng, chiếm 64,5% GDP.
Ngoài các công cụ là cổ phiếu, trên thị trường cổ phiếu còn có thêm các công cụ đầu tư khác như: chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, REIT... và gần đây là sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants).
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, thị trường chứng khoán đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn hỗ trợ Chính phủ trong cân đối ngân sách quốc gia thông qua việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ. Khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ bình quân khoảng 185.000 tỷ đồng/năm đáp ứng 50%-60% nhu cầu huy động vốn cho cân đối ngân sách hằng năm.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đã có trên 1.000 cuộc đấu giá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhiều đơn vị đã niêm yết lên sàn. Hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường cũng ngày càng hoàn thiện với trên 100 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Tính đến hết năm 2019 đã có gần 2000 quỹ đầu tư, với tổng giá trị danh mục ước đạt hơn 12 tỷ USD.
“Tính đến ngày 31/5/2020, số lượng tài khoản nhà đầu tư do Trung tâm Lưu ký quản lý là 2,5 triệu tài khoản, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 34.052 mã số, trong đó, có 29.389 mã số cá nhân và 4.663 mã số tổ chức, lần lượt tăng 13,3 lần và gần 26 lần”, ông Trần Văn Dũng nói.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm lên thành thị trường mới nổi, trở thành điểm đến toàn cầu
Về định hướng phát triển thị trường trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các thành viên thị trường cần phối hợp tốt để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên theo hướng ngày càng đột phát. Sớm hoàn thiện thể chế, đồng bộ các luật định để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, niêm yết; áp dụng những chuẩn mực quốc tế về tài chính, kiểm toán cũng như tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, cũng như an toàn cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế cơ chế, chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng ngay trong năm nay. Hệ thống quy định của pháp luật phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ hội công, bằng bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển nhịp nhàng đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm. Hướng tới tái cơ cấu thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô, chất lượng của thị trường, trong đó đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường.
Cùng với đó là chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ chứng khoán khu vực, quốc tế bảo đảm tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu, góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực quốc tế ở nước ta.
Thủ tướng tin tưởng, với sức trẻ của tuổi 20 với những kinh nghiệm, thành quả quý giá đã tích lũy trong nhiều năm, ngành chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vượt qua “sóng gió” để tiếp tục “ra khơi”, chinh phục “biển lớn”.