Thủ tướng: Xây dựng Bát Tràng trở thành làng nghề kiểu mẫu

Thủy Tiên - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và dự Lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cắt băng khai mạc triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm tiêu biểu của Bát Tràng.
Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía Đông Nam. Đây là một trong những làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam, được lập ra sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành quách, cung điện, công sở, kho tàng, các công trình tâm linh… của kinh đô Thăng Long. Thế hệ tiền nhân lập làng là cư dân vùng Ninh Trường thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay. Trải qua nghìn năm với nhiều thăng trầm, các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Gốm Bát Tràng không chỉ đơn thuần là sản phẩm hàng hóa mà còn là sự sáng tạo, nét văn hóa riêng của làng gốm Bát Tràng.
Ngày nay, gốm Bát Tràng nổi tiếng không chỉ phạm vi trong nước mà còn vang xa khắp năm châu với những sản phẩm thủ công tinh xảo phục vụ đời sống, trưng bày, tín ngưỡng… Nhiều sản phẩm có mặt tại các bảo tàng danh tiếng ở các nước: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Itaia, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi năm gần 1.000 hộ là nghề gốm ở làng Bát Tràng đã mang lại doanh thu cao, đóng góp xây dựng Thủ đô.
Bày tỏ vui mừng khi nghề truyền thống của Bát Tràng đã trở thành một thương hiệu có tên tuổi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi sản phẩm Bát Tràng đều thể hiện lòng yêu nước của người nghệ nhân.
Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ phấn khởi vì đời sống Nhân dân Bát tràng không ngừng được nâng cao. Trong 296 hộ thì tỷ lệ hộ nghèo thấp, chỉ dưới 1%. Cùng với đời sống vật chất, tất cả các thôn đều là thôn văn hóa, sinh hoạt văn hóa sinh động, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. “Văn hóa là yếu tố rất quan trọng của đất nước, dân tộc, con người, mỗi gia đình” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cho rằng chính sách nghệ nhân đã có nhưng chưa đầy đủ, Thủ tướng đề nghị nhà nước phải tiếp tục lắng nghe để quy hoạch làng nghề hợp lý. Việt Nam có 1.800 làng nghề nhưng làng nghề có tên tuổi như Bát Tràng còn ít, cho thấy còn bất cập trong xây dựng chủ trương với các làng nghề truyền thống. Nhấn mạnh Bát Tràng là tượng trưng cho làng nghề truyền thống, vì thế “xây dựng làng nghề, tôn vinh, tôn trọng nghệ nhân là rất quan trọng. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn cho làng nghề để được quy hoạch, phát triển tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương đánh giá cao Nhân dân làng nghề Bát Tràng đã gìn giữ phát huy nghề truyền thống của cha ông trong bối cảnh kinh tế thị trường. Thời gian qua, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, Bát Tràng đã có nhiều sản phẩm vươn ra cả thị trường quốc tế.
Thủ tướng đề nghị xã và huyện Gia Lâm chú ý đến vấn đề môi trường. “Làng nghề phát triển nhưng phải chú trọng môi trường sống cho người dân từ rác đến nước thải, cấp nước sạch. Mong rằng mỗi nhà, mỗi người, mỗi nghệ nhân chú ý vấn đề này. Có thể thu nhập sẽ bớt đi một chút nhưng môi trường sống phải đảm bảo” - Thủ tướng lưu ý.
Đồng thời, cần quan tâm đến thị trường lâu dài để nghệ nhân, công nhân có thể sống được bằng nghề. Ngoài việc tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng, Thủ tướng nêu cần phải cải tiến kỹ thuật và áp dụng những công nghệ mới để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội gắn làng nghề Bát Tràng với du lịch và chú trọng quảng bá sản phẩm. “Phải để cả nước đến Bát Tràng để thấy Bát tràng đẹp như thế, hay như thế” - Thủ tướng nói.
Khẳng định tầm quan trọng của quy hoạch đô thị, Thủ tướng yêu cầu TP cần xây dựng quy hoạch tổng thể làng nghề Bát tràng để kết nối với các đô thị hiện đại xung quanh và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, "để Bát tràng mãi mãi có tên trong sản phẩm gốm cả nước và thế giới biết đến, trở thành làng kiểu mẫu của dân tộc làm gương cho các làng nghề khác”.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Nhằm phát huy giá trị các làng nghề, trong những năm qua, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn quan tâm đầu tư sản xuất, phong tặng và tôn vinh các nghệ nhân. Bên cạnh đó, TP đã khôi phục gần 300 làng nghề trên địa bàn TP
Đối với Bát Tràng, Hà Nội xác định đây là làng nghề truyền thống đặc trưng không chỉ của Thủ đô mà của cả khu vực Đồng bằng Sông Hồng và cả nước. “Vì vậy, Hà Nội đã xác định xây dựng Bát Tràng là một trong 2 làng nghề truyền thống mũi nhọn của Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP cho biết: TP đã mời các chuyên gia tổ chức cuộc thị quy hoạch làng nghề Bát Tràng và sẽ sớm phê duyệt để triển khai theo hướng đồng bộ, bảo tồn kết hợp với du lịch, chú trọng công tác môi trường. “TP sẽ hiện thực hóa tất cả nội dung này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cam kết.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tới dự lễ khai mạc trưng bày giới thiệu các sản phẩm gốm xứ tiêu biểu văn hóa du lịch Bát Tràng năm 2018. Đồng thời, đến thăm nghệ nhân Nhân dân Trần Độ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần