Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra nhiều bất cập của ngành giáo dục

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều bất cập của ngành giáo dục.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để chuẩn bị cho Hội nghị, trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị các sở GD&ĐT, hội nghị các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 và dự kiến nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Tại các hội nghị này, nhiều đại biểu xác định năm học 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Nguyên nhân là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp; nhu cầu cần thêm khoảng trên 80.000 giáo viên). Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, với nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật. Nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
Về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.

Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, nhà giáo và người học hiểu biết pháp luật và các quy định của ngành còn hạn chế.

Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao; một số cơ sở giáo dục thiếu dân chủ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường.

Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.

Đặc biệt, vẫn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).