Thủ tướng phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khẳng định kết quả kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm đạt được trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức là rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức cần khắc phục. Đó là tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đến nay 60 tỉnh thành đã có dịch, đã tiêu hủy 2,82 triệu con heo, chiếm 10% tổng đàn. Giá một số mặt hàng nông, thủy sản giảm, cá tra giảm còn 20.500-22.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất, giá tôm giảm còn 73.000-79.000 đồng/kg. Tỉ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng 74,9%, trong đó sản phẩm dệt 274,1%, sản phẩm gỗ 128,1%, sản phẩm hóa chất 94%.
Đầu tư công vẫn chưa có dấu hiệu tích cực, có mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019. Vốn ngân sách trung ương thực hiện giảm nhiều so với cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA thấp ở mức đáng báo động, đạt 37% vốn kế hoạch được giao. Xuất khẩu tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2 năm kế trước, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo đều giảm. Cần lưu ý vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và ứng phó của chúng ta để không ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Về phát triển DN, Thủ tướng cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là DN nhỏ và vừa, số DN tạm ngừng kinh doanh tăng 17,4%, giải thể tăng 18,1%. Có nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất. Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương một loạt vấn đề gây bức xúc xã hội như xâm hại tình dục, gian lận thi cử gây bức xúc xã hội. Tình trạng tội phạm phức tạp, nhiều vụ trọng án, giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, buôn bán ma túy tăng mạnh trong thời gian qua trên khắp các tuyến biên giới, đã bắt nhiều vụ lớn và một số vấn đề như cát tặc, phát triển nóng của các hãng hàng không.
 Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương
Thủ tướng lưu ý bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và toàn dân.
Trong 6 tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng nói cần quán triệt các giải pháp trong Nghị quyết 01, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đã giao trên tinh thần bứt phá và toàn diện. “Tinh thần là không ai bàn lùi, chỉ bàn tiến thực hiện các mục tiêu đề ra. Các bộ, ngành địa phương cần linh hoạt ứng phó kịp thời, không được chủ quan, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra” - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đại bộ phận đã làm tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ trong công việc, kể cả lãnh đạo.
Thủ tướng cũng phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN.
"Các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ. Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm cần chấm dứt, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân bức xúc vẫn còn. Đề nghị tập trung bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài…", Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành chưa biến chuyển đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Nghị quyết 02 về cắt giảm điều kiện kinh doanh đưa ra yêu cầu trước ngày 30/6, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, song thực tế chưa đạt yêu cầu. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, những tồn tại trên chủ yếu là do yếu tố chủ quan mang lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần