Thủ tướng: Tăng trưởng phải đi liền chất lượng và phục vụ tốt đời sống nhân dân

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Nếu như tăng trưởng cao, nhưng xảy ra tình trạng cháy nổ, môi trường sống bị ô nhiễm, sự an toàn của người dân bị đe dọa… thì chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ không?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2018

Trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong số 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao năm 2017, có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với con số đã báo cáo Quốc hội gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều).

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số CPI bình quân đạt 3,53%, vượt mục tiêu Quốc hội đã đề ra (dưới 4%). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về tài chính, tiền tệ đều diễn biến tích cực, phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ.

Mặt bằng lãi suất ổn định, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm, tăng trưởng tín dụng đạt 18,24%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,88%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thị trường chứng khoán khởi sắc.

Môi trường đầu tư kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, được quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, nền kinh tế đã thu hút được trên 37 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 21,2%, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (6 - 7%), cán cân thương mại chuyển từ mục tiêu nhập siêu dưới 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, rà soát và đưa ra 2 kịch bản, trong đó kịch bản 1 tối thiểu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và kịch bản 2 là phấn đấu đạt khoảng 6,8%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về cơ bản, 2 kịch bản này không khác nhau, chỉ khác ở tăng trưởng công nghiệp ở mức 7,3% và mức 7,65%. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, rà soát, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng để làm căn cứ cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng thăm và dùng cơm cùng các công nhân khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP.
Số lượng tăng trưởng phải đi liền với chất lượng tăng trưởng

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả tăng trưởng quý I/2018 ở mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Đồng thời cho rằng, kết quả này có được nhờ những hành động quyết liệt của Chính phủ; trong đó có việc bỏ quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để tập trung cho sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến thông điệp, chất lượng tăng trưởng và nêu rõ, trước vấn đề về an toàn của người dân, vấn đề môi trường sống đặt ra yêu cầu đối với chất lượng tăng trưởng ngày càng trở nên quan trọng. Tăng trưởng kinh tế là rất cần và cũng rất cấp thiết, Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, song chất lượng tăng trưởng cũng là yêu cầu quan trọng đối với các bộ, ngành, địa phương

“Nếu như tăng trưởng cao, nhưng tình trạng xảy ra cháy nổ, môi trường sống bị ô nhiễm, sự an toàn của người dân bị đe dọa,… thì chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ không? Vấn đề đặt ra là số lượng tăng trưởng phải đi liền với chất lượng tăng trưởng và phải phục vụ tốt đời sống nhân dân.

Vì vậy, Chính phủ sẽ cố gắng duy trì tăng trưởng cao, đồng thời phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và thành công hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém trong từng lĩnh vực, địa phương, vùng miền; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.