Thủ tướng: "Thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa”

Công Thọ - Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư xây dựng hôm nay (20/4), Thủ tướng yêu cầu: “Những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa”.

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các chuyên gia, nhà khoa học. Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện thật rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng.

Việc tháo gỡ gồm 2 phần, trước mắt và lâu dài như đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn… Trong đó, nội dung Hội nghị là tập trung tháo gỡ khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là năm 2018.

Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”. Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng mà “chúng ta cần gỡ cái này, nhất là trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ cần sửa đổi bổ sung thì các đồng chí kiến nghị sớm hơn để giải quyết, cụ thể là gì”.

Về thủ tục hành chính, “bộ nào, ngành nào, cấp tỉnh có vướng mắc gì để nâng cao hiệu quả giải quyết, một cửa liên thông, hậu kiểm những vấn đề gì… để tháo gỡ”, Thủ tướng cho rằng, thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều khâu ách tắc trong khi đã bước sang quý II của năm 2018.

Vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập. Chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm vì lý do này, lý do khác. Rồi nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai. Chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường, trên nhật ký công trình, trong những vấn đề đặt ra của từng đơn vị cũng chưa phải làm tốt.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa”. Cho rằng còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo, Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ; hoặc nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia... “Muốn tiếp tục có thành quả thì chúng ta phải tháo gỡ để làm tốt hơn”, Thủ tướng chia sẻ.

Giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài hơn dự kiến

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Luật 69/2014/QH2013 quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của EVN quy định, các dự án đầu tư xây dựng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Trường hợp vượt quá, EVN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định. Như vậy, đối với các dự án nhóm A, không sử dụng vốn đầu tư công có giá trị từ 2.300 đến dưới 5.000 tỷ đồng sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định đầu tư. Đại diện EVN kiến nghị cần phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định.

Thực tế cho thấy, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật chuyên ngành khác… cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên như liên quan đến chuyển nhượng dự án đầu tư; thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” các dự án...

Nêu khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng GĐ Tập đoàn SunGroup chia sẻ, một số dự án BT khi nghiên cứu khả thi đã gặp phải tình trạng thiếu quỹ đất, hoặc quỹ đất dành cho đối ứng không hấp dẫn nhà đầu tư. Các dự án có diện tích đất cần giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài hơn dự kiến do khó nhận được sự đồng thuận từ chủ sở hữu; Về công tác thanh tra, kiểm toán: Tại một số thời điểm trong năm, nhà đầu tư phải rà soát, báo cáo cùng lúc tới nhiều cơ quan kiểm soát dự án như: Các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra nghiệm thu Nhà nước, các đại diện cơ quan Quản lý nhà nước có thẩm quyền .v.v.

“ Chúng tôi Đề xuất xây dựng cơ chế về quy định đền bù cho nhà đầu tư khi Giải phóng mặt bằng chậm, tắc. Đối với công tác thanh tra, kiểm toán sẽ là rất tốt nếu Nhà nước có quy định rõ, bước chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư sẽ được kiểm toán, đánh giá mực độ tuân thủ quy định cũng như chất lượng hồ sơ, chất lượng dự án, công trình…”, đại diện SunGroup kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng đồng tình, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng có cả hàng chục luật tác động. Nhưng quan trọng là cùng một vấn đề, giữa các luật này và luật kia còn có sự khác biệt. Chỉ riêng công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư xây dựng, có nhiều mặt khác nhau như quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế... nhưng hiện nay hoạt động thanh tra không có sự thống nhất giữa các ngành.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Bộ Xây dựng – cơ quan được giao chủ trì tổ chức Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư. Các hoạt động chính trong giai đoạn này gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư.

Trong giai đoạn này, ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng.

 

Chẳng hạn, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 03 năm.

Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư hiện cũng đang gây khó cho doanh nghiệp do các dữ liệu liên quan đến dự án tại giai đoạn này không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ, chưa đủ điều kiện để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng. Trong giai đoạn này, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư:

Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư.

Liên quan đến Luật Xây dựng, quy định cá nhân là người nước hoạt động xây dựng tại Việt Nam trên 6 tháng phải thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chưa rõ, khoảng thời gian 6 tháng tính cho một lần huy động hay tổng thời gian huy động chuyên gia thực hiện gói thầu. Điều này gây ra lúng túng cho chủ đầu tư trong quá trình quản lý điều kiện năng lực của tư vấn cá nhân là người nước ngoài.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước như chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung phương án thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; Thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành khá dài, dẫn tới tâm lý ngại nghiên cứu, chuẩn bị dự án bài bản và xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương. Quy định sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhóm B trở lên chưa phù hợp. Dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư thấp (từ 45 tỷ đồng trở lên), việc bắt buộc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu quốc tế có thể gây kéo dài thời gian và không thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Trong giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, hiện còn nhiều vướng mắc khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác; Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.

Nguyên nhân là do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng.

Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần