Thủ tướng và quyết tâm xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính

VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng đi muộn về sớm, làm việc chểnh mảng trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Một mùa xuân mới đang tràn về trên dải đất hình chữ S. Năm 2017 đất nước ta vừa đi qua với nhiều thành quả đạt được trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế-xã hội, an ninh – quốc phòng, tạo đà quan trọng cho năm 2018 phát triển.
Đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là. Bởi thực thế, chúng ta còn phải đối mặt với quá nhiều thách thức, trong đó không ít những thách thức từ chính nội tại về nhân lực, thể chế và nền kinh tế - xã hội của đất nước.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm xây dựng chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả

Một trong những điều được quan tâm nhất chính là kỷ cương, kỷ luật hành chính. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu cán bộ, công chức phải gương mẫu đi đầu trong việc thực thi các qui định của pháp luật. Tuy nhiên, một thực trạng được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ là “tình trạng đi muộn về sớm, làm việc chểnh mảng trong đội ngũ cán bộ, công chức”, đồng thời yêu cầu sớm khắc phục tình trạng này. Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng để tiếp tục giữ kỷ cương hành chính tốt hơn, nhất là những việc liên quan đến người dân.
Trong năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã cùng các cơ quan khác tham mưu cho Chính phủ cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính. Ngay đầu năm 2018, Thủ tướng đã ký ban hành nghị định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công Thương.
Có thể khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý hành chính nước ta đã khá hoàn thiện, tuy nhiên, việc chấp hành các qui định này lại đang là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Bởi tình trạng những người thực thi công vụ lợi dụng quyền hạn của mình để làm sai, để trục lợi cho bản thân, phục vụ nhóm lợi ích… còn rất phổ biến.
Nhiều vụ việc khiến dư luận ồn ào vì sai phạm, nhưng thường nhận được câu trả lời của các bộ, ngành, địa phương liên quan là “đúng qui định”, “đúng qui trình”. Thế nhưng, khi người đứng đầu chỉ đạo phải làm cho “ra nhẽ” thì lại phát hiện ra hàng loạt sai sót, sai phạm.
Thời gian qua đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao ở trung ương và địa phương phải trả giá đắt vì những sai phạm trong công tác. Hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, nhiều lãnh đạo cấp cao bị xử lý và không còn chuyện “hạ cánh an toàn” như quan niệm trước kia nữa khiến dư luận có thêm niềm tin rằng kỷ luật, kỷ cương đang dần được siết lại, để chúng ta không còn phải chịu những bài học đau xót về công tác cán bộ, về nhân sự, về con người nữa.
Người Nhật nổi tiếng về tính kỷ luật, nghiêm khắc trong công việc. Nhưng chính sự chấp hành nghiêm túc các kỷ luật đó đã mang đến cho họ những thành công vượt trội mang tầm thế giới. Bài học của người Nhật luôn có giá trị với tất cả chúng ta dù ở bất kỳ khâu quản lý nào. Kỷ luật, kỷ cương là yêu cầu tối quan trọng để một bộ máy hoạt động tốt nhất, đạt các mục tiêu đã đề ra.
Quyết tâm xây dựng thể chế, bộ máy trong sạch vững mạnh thì đã có nhưng nếu không có kỷ luật “thép” để guồng máy thực sự hoạt động thì sẽ không bao giờ chúng ta đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trong xã hội thượng tôn pháp luật thì tính kỷ luật của nhà nước, chính quyền phải được đề cao, trong đó đại diện là người thực thi công vụ. Kỷ luật, kỷ cương sẽ tạo ra những cán bộ công chức mẫn cán, gương mẫu, sẵn sàng phục vụ nhân dân.
Chính vì thế, nếu mong muốn đưa đất nước phát triển, không còn cách nào khác, chúng ta cần sớm đưa ra khỏi bộ máy những kẻ yếu kém, cơ hội, kéo lùi hoặc cản trở sự phát triển của cả hệ thống. Hy vọng, năm 2018, Thủ tướng sẽ quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo đà cho những năm tiếp theo.