Thú vị với nghệ thuật vẽ mặt trong “Cơn ghen của Lọ Lem”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vở hài kịch “Cơn ghen của Lọ Lem” của sân khấu Luc Team tiếp tục chinh phục khán giả Thủ đô cuối tuần qua tại L’Espace, không chỉ khác lạ với phong cách biểu hiện ước lệ của diễn viên mà khán giả thấy tò mò với phần hóa trang nhân vật.

“Mâm cỗ” đầy ắp món lạ
“Cơn ghen của Lọ Lem” do NSƯT Trần Lực đạo diễn theo phong cách biểu hiện ước lệ. Phải nói thẳng nếu không khổ luyện đào tạo được lớp diễn viên này suốt bốn năm, tiếp tục “ép” luyện tới giờ này e đạo diễn cũng phải bó tay.
Diễn viên ''Cơn ghen của Lọ Lem'' chính là tác phẩm nghệ thuật khi đứng trên sân khấu
Kịch bản do Molière viết cách đây 500 năm nhằm đả kích thói tật của xã hội Pháp thời đó, nếu đơn thuần “bê” nguyên si vào thời đại bây giờ thì rất dễ nhàm chán và lạc hậu. Tuy nhiên, Trần Lực sử dụng phương pháp biểu hiện ước lệ, thổi vào vở diễn bầu không khí tươi mới, gần gũi với người Việt như chuyện xe ôm thời đại mới, chuyện buôn lụa Tàu, trọc phú xúc cát. Diễn viên Luc Team từng ra mắt khán giả với một số đêm diễn “Quẫn” trước đó, cũng phong cách biểu hiện ước lệ. Tuy nhiên biểu hiện ước lệ ở “Cơn ghen của Lọ Lem” rõ ràng hơn: Từ biểu hiện của diễn viên cho tới hóa trang, phục trang.
NSND Lê Khanh, một người bạn của Trần Lực và cũng là người rất mê lối biểu diễn mới này từng nói nhỏ với đạo diễn nên chăng tập cho khán giả quen dần dần, chứ “Cơn ghen của Lọ Lem” chẳng khác nào một mâm cỗ đầy ắp món lạ. Khán giả quen xem kịch hiện thực tâm lý có chút thắc mắc, họ thấy phí phần biểu cảm trên gương mặt diễn iên. Hỏi Trần Lực có ý định thay đổi để chiều lòng khán giả, anh một mực: “Không, bởi đã gọi là mới thì phải bày hết ra chứ còn chờ đợi gì nữa”.
Không đơn thuần là hóa trang
Khán giả từng quen với những vở diễn sân khấu từ nhiều năm nay sẽ thấy lạ lẫm khi các diễn viên “Cơn ghen của Lọ Lem” lần lượt xuất hiện trên sân khấu. Mỗi nhân vật là một tác phẩm nghệ thuật. “Hóa trang sân khấu có vai trò đặc biệt, không phải làm đẹp nữa mà phải ra tính cách nhân vật, đòi hỏi người hóa trang chuyên nghiệp”, NSƯT, đạo diễn Trần Lực nói.
Phong cách biểu hiện ước lệ cho phép đạo diễn phối hợp nhiều môn nghệ thuật khác nhau trong một vở diễn, ở đây chính là face art (họa mặt). “Không chỉ là sự hóa trang thông thường, mỗi nhân vật bước ra sân khấu là tác phẩm nghệ thuật, từ gương mặt cho tới phục trang và trở thành sắp đặt trên sân khấu. Mỗi tác phẩm khác nhau bởi tính cách khác nhau, đặc biệt ngôn ngữ biểu hiện nên đòi hỏi tính cách nhân vật, hóa trang và phục trang phải rõ ràng, chỉ cần bước ra khán giả biết tính cách nhân vật”, Trần Lực nói.
Công việc này không phải ai cũng đáp ứng được, bởi phong cách Trần Lực theo đuổi rất mới mẻ ở Việt Nam. May mắn là anh cũng tìm được người cùng chí hướng, một thành viên của Luc Team. Phụ trách hóa trang là Đào Thị Thùy, nghệ sĩ trẻ, giảng viên của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh khen Thùy là một người làm hóa trang sân khấu chuyên nghiệp hiếm có hiện nay.
Nghệ sĩ Đào Thị Thùy tạo ra tác phẩm nghệ thuật cho từng nhân vật từ khuôn mặt tới phục trang
Lợi thế của Thùy ở chỗ cô từng tốt nghiệp diễn viên, từng đứng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. “Đúng là nghề chọn người. Khi ở Nhà hát Kịch Việt Nam, mặc dù vẫn là diễn viên nhưng hầu như trước mỗi buổi diễn tôi đều là người hóa trang cho mọi người”, Thùy kể. Cô nhận ra mạch ngầm chảy trong con người mình bấy lâu, quyết định dấn thân theo con đường này. Hiện nay Thùy ấp ủ mở mã ngành đào tạo đội ngũ hóa trang chuyên nghiệp cho nghệ thuật.
Nói về “Cơn ghen của Lọ Lem”, Thùy khoe ngay khi đạo diễn gọi tới và giao việc, Thùy bật ra ý tưởng ngay lập tức và chỉ hôm sau xong phác thảo bảy nhân vật: Mỗi người một trạng thái, tính cách nhưng hòa hợp với nhau. Nhìn thoáng qua sẽ thấy hồn dân gian trong cách sử dụng màu sắc của Thùy, khiến khán giả liên tưởng tới nghệ thuật Tuồng, tuy nhiên cách sử dụng đường nét và họa tiết hoàn toàn mới mẻ và đầy hơi thở đương đại.
Đúng là tới vở diễn mang phong cách này họa sĩ mới có dịp thỏa sức sáng tạo. Với chàng Lọ Lem nóng nảy bộc trực, thật thà Thùy dùng sắc đỏ mạnh, nhưng sâu thẳm trong đó là con người lương hiện nên cô vẽ vòng tròn biểu hiện sự ấm cúng. Với cô hầu gái tính cách hóng hớt, đưa chuyện cô chỉ nhấn vào đôi lông mày trong vui tươi, láu cá. “Khán giả làm quen, tiếp cận với cái mới sẽ có tư duy rộng mở, chứ lâu nay chúng ta có thói quen ăn mãi một món, đi mãi một con đường”, Thùy nói.
Đào Thị Thùy sinh năm 1986, hiện là giảng viên ngành Hóa trang trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, là một trong số ít nghệ sĩ hóa trang Việt Nam được đánh giá cao về kỹ thuật và sáng tạo. Tháng 6/2017, Thùy vừa giành giải Nhì cuộc thi Vẻ đẹp châu Á-thế lực mới 2017, với gần 500 thí sinh đến từ các nước châu Á. Trong nhiều nội dung thi, Thùy chọn hóa trang hiện đại đặc biệt, cô tạo ra cặp cô dâu chú rể là nàng tiên cá và hoàng tử đại dương bằng chất liệu thạch cao, lông, đất sét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần