Thư viện nhiều trường ĐH, CĐ ở tình trạng "báo động đỏ"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Trần Duy Tạo cho biết mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên còn rất thấp, trung bình 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi.

KTĐT - Ông Trần Duy Tạo cho biết mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên còn rất thấp, trung bình 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi. Trong khi trung bình mỗi thư viện đều được đầu tư 536,9 triệu đồng/năm để bổ sung tư liệu, tăng cường cơ sở vật chất."

Thư viện nhiều trường đại học, cao đẳng đang ở tình trạng "báo động đỏ" với cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp, giáo trình thư viện quá cũ không đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên.

Khi các trường đại học, cao đẳng chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, chú trọng việc tự học và nghiên cứu của sinh viên, vai trò của thư viện được nâng cao rõ rệt. Sinh viên đến thư viện trường tìm tài liệu nhiều hơn so với trước.

Nhưng theo ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục-Đào tạo, thực trạng cơ sở vật chất, giáo trình của thư viện nhiều trường hiện nay đã không thể đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, giảng viên, sinh viên học tập và nghiên cứu.

Và ngược lại, chính sinh viên lại chưa đủ khả năng tiếp cận với giáo trình mới. Tình trạng thư viện "lão hóa, giáo trình "mọc râu" không còn xa lạ đối với không ít sinh viên nhiều trường cao đẳng và đại học.

Sinh viên Đại học Mỏ-Địa chất Nguyễn Đình Mạnh bày tỏ: "Có những giáo trình ở thư viện khoa và trường gần như không thể sử dụng vì quá "nát" về hình thức (giáo trình nhập về từ những năm 1970, 1980). Em có hỏi thủ thư, chỉ biết là quyển đó họ không xuất bản nữa. Nhiều giáo trình "hiếm," sinh viên muốn mượn phải tiếp cận với những giáo sư, phó giáo sư.

Ca thán về giáo trình cũ, không cập nhật cái mới là chuyện xưa, thư viện nhà trường được sinh viên thời nay coi là nơi… giải trí, thậm chí là nơi ngủ. Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Kiên, Hiệu trưởng Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội cho biết với đặc thù là trường đào tạo kỹ thuật đa chuyên ngành thuộc các lĩnh vực về mỏ, địa chất, dầu khí, trắc địa-bản đồ, cơ điện…, sách báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Mặt khác, do hạn hẹp về kinh phí nên nhiều loại sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu còn thiếu. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm chất lượng phục vụ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu thấp, không đáp ứng được yêu cầu.

Một số thư viện tại các khoa gần như không hoạt động, thiếu sự liên kết với thư viện trường. Nhà trường chưa có cơ sở xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu cho cán bộ, giáo viên cũng như sinh viên. Trớ trêu hơn khi giáo trình mới nhập về bằng tiếng Anh để phục vụ việc nghiên cứu nhưng sinh viên… "khó nhằn,", ông Kiên cho biết thêm.

Một thủ thư ở Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiết lộ: "một số giáo trình mới nhập về nhưng được rất ít sinh viên động tới, do không đủ trình độ tiếng Anh. Vì vậy, giáo trình vẫn còn mới nguyên trên kệ."

Trong đợt khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở gần 200 trường đại học, cao đẳng về cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tỷ lệ trường có thư viện truyền thống là 87%, đồng nghĩa với việc13% trường không có thư viện. Đây là tình trạng báo động đối với giáo dục đại học Việt Nam, trong khi các trường đại học trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, trái tim của một trường đại học.

Ông Trần Duy Tạo cho biết mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên còn rất thấp, trung bình 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi. Trong khi trung bình mỗi thư viện đều được đầu tư 536,9 triệu đồng/năm để bổ sung tư liệu, tăng cường cơ sở vật chất."

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng trường có thư viện đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học và thu hút được đội ngũ giảng viên, sinh viên còn rất ít. Nhìn chung các thư viện hiện tại còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, nghèo nàn về nguồn tư liệu, sức hút đối với giảng viên và sinh viên thấp.

Thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu tra cứu, tìm tư liệu phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên, nhất là khi các trường chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ./.