Thư viện trong thời kỳ mới: Nhiều về lượng, thiếu về chất

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng lưới thư viện ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp nhưng chưa phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo.
Sáng 5/12, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới tại Thư viện Quốc gia. Đến dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thư viện trên cả nước.
Tại Hội thảo, theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, mạng lưới thư viện Việt Nam đã được thiết lập, phát triển với các loại hình thư viện công cộng (bao gồm thư viện quốc gia Việt Nam, gần 4.000 thư viện công cộng các cấp, hơn 16.000 phòng đọc, tủ sách ở cơ sở); thư viện đa ngành, chuyên ngành (với gần 400 thư viện trường đại học, cao đẳng; khoảng 26.000 thư viện trường phổ thông các cấp; hơn 100 thư viện của các cơ quan nhà nước; 531 thư viện, hơn 4.500 phòng đọc của lực lượng vũ trang nhân dân); thư viện tư nhân (hơn 60 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy: “Công tác là hoạt động công ích của nhà nước, nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa được sự quan tâm, kinh phí đầu tư cho thư viện nói chung, hoạt động thư viện nói riêng chưa đúng mức; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đảm bảo, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập. Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự thay đổi thói quen của người sử dụng thư viện, dịch vụ thư viện cho người dân chưa thật đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, theo Vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao. Vốn tài liệu điện tử, tài liệu số trong các thư viện còn hạn chế. Việc liên thông trong hoạt động thư viện nói chung và việc chia sẻ nguồn lực thông tin còn chưa rộng khắp giữa các thư viện.
Đồng thời, việc hiện đại hóa và xây dựng các thư viện điện tử triển khai chưa đồng bộ và rộng khắp tại các ngành, các địa phương. Phần lớn các thư viện Việt Nam vẫn đang hoạt động với phương thức thủ công, thư viện điện tử/thư viện số đã hình thành nhưng số lượng và chất lượng còn hạn chế. Người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng thư viện tại một số địa phương, bộ ngành.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành thư viện phải nhận thức sự phát triển của khoa học công nghệ vừa là thách thức, vừa là thời cơ với ngành thư viện. Nếu ngành thư viện làm tốt, người đến thư viện không chỉ là 30 triệu lượt người mà có thể là vài trăm triệu lượt người. Do vậy, thư viện phải thay đổi, cùng với đó cán bộ thư viện phải thay đổi và cách quản trị, quản lý của Bộ VHTT&DL cũng phải thay đổi.
Quang cảnh Hội thảo.
Trước những thông tin về việc sát nhập thư viện với các thiết chế văn hóa tại địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã có văn bản gửi Bộ VHTT&DL nêu rõ: “Sáp nhập các đơn vị có chức năng tương đồng thuộc lĩnh vực quản lý của Sở VH&TT. Việc có tương đồng hay không, các đồng chí lãnh đạo ở địa phương phải làm rõ. Tuy nhiên, những chỗ làm việc không hiệu quả, nhất định phải đổi mới để nâng cao hiệu quả hoặc sáp nhập, xóa bỏ”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta nói nhiều về kinh tế và các lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng những vấn đề về văn hóa ai cũng nghĩ mình biết nên không lắng nghe. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương nhận thức được vai trò, hình dạng mới, thách thức mới của ngành thư viện trong thời đại mới”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL sớm trình đề án nâng cao hoạt động của hệ thống thư viện; nếu Bộ xác định đúng hướng thì khoa học công nghệ thời cơ tốt để phát triển.