Thừa phát lại dần đi vào cuộc sống

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chế định Thừa phát lại (TPL) được triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù còn đó những khó khăn, nhưng đã dần đi vào cuộc sống.

Những người hành nghề TPL dù vất vả khi thực hiện nhiệm vụ nhưng đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Sau thời gian triển khai thực hiện, các văn phòng (VP) TPL trên địa bàn Hà Nội bước đầu đã thu được những thành công nhất định. Từ ngày 1/1/2016, theo Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội, Chế định TPL chính thức được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 101/2016/QĐ-TTg ngày 14/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này đã tạo điều kiện cho Chế định TPL chính thức có vị trí trong gia đình bổ trợ tư pháp.

Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng tiến hành lập vi bằng cho người dân. Ảnh: Phương Lê

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Anh Dũng - Phó trưởng VP TPL Hai Bà Trưng cho hay, VP TPL Hai Bà Trưng hiện có 25 người, trong đó có 6 TPL. Một trong những thế mạnh của VP TPL Hai Bà Trưng là lập vi bằng. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, VP lập được khoảng 100 vi bằng, giảm tải được tranh chấp của người dân. “Mặc dù chưa thực hiện cưỡng chế vụ nào, nhưng VP TPL Hai Bà Trưng đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải thành công. Cụ thể, đối với vụ việc đòi nhà cho thuê đối với ngôi nhà 3 tầng ở phường Đông Mác. Gia đình ông Nguyễn Văn A. cho gia đình ông Trần Ngọc B. thuê nhà hàng chục năm nay, tuy nhiên, khi gia đình ông A. chia thừa kế ngôi nhà đã đòi lại nhà cho thuê nhưng phía gia đình ông B. không hợp tác. Khi TPL được mời vào cuộc đã chia sẻ, phân tích, hòa giải giữa hai bên, Sau 20 ngày, vụ việc đã được hòa giải thành, gia đình ông B. tự nguyện chuyển đi” – ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, trước đây, các cơ quan, đơn vị chưa hiểu hết về TPL nên VP gặp khó khăn trong việc tống đạt văn bản. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản tháo gỡ vướng mắc, các VP TPL đã tranh thủ các cuộc giao ban tư pháp để giới thiệu về TPL, yêu cầu của TPL là có sự phối hợp của phòng tư pháp các phường, các phòng ban của quận. Khi giải quyết các vụ việc của những người có vị trí trong xã hội, VP TPL Hai Bà Trưng báo cáo với cơ quan cấp cao hơn để có sự phối hợp, xử lý.
Người dân chủ động tìm đến Thừa phát lại
Biết đến các dịch vụ của TPL, nhiều người dân đã tự chủ động tìm đến các VP này. Chị Bùi Thúy Ninh (cư dân tòa nhà Ecolife Capitol, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, chị và các thành viên trong ban đại diện cư dân mua căn hộ dự án Ecolife Capitol mong muốn làm việc với chủ đầu tư về vi phạm các thỏa thuận đã ký theo hợp đồng mua bán giữa cư dân với chủ đầu tư. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư từ chối; đồng thời cho rằng, ban đại diện cư dân không đủ tư cách pháp lý để làm việc. Vì vậy, ban đại diện tòa nhà đã mời VP TPL quận Nam Từ Liêm đến lập vi bằng, ghi nhận sự kiện, hành vi các chủ sở hữu căn hộ dự án Ecolife Capitol họp bàn, trao đổi về việc thành lập ban đại diện để thay các chủ căn hộ làm việc với chủ đầu tư dự án, đề nghị chủ đầu tư phải hợp tác. Dù ban đại diện cư dân làm việc vào ngày Chủ nhật, tuy nhiên, VP TPL quận Nam Từ Liêm đã cử TPL đến tận nơi cư dân yêu cầu để tiến hành lập vi bằng.
Ông Phạm Anh Dũng - Phó trưởng VP TPL Hai Bà Trưng thừa nhận, sau thời gian thí điểm, chính thức đưa vào thực hiện, Chế định TPL dần dần khẳng định được chỗ đứng. Nhiều người dân đã biết đến chế định này và tự tìm đến các VP TPL. Sinh viên ra trường cũng tin tưởng, kỳ vọng đây là một nghề có thể tạo dựng được việc làm ổn định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần